Nhật Bản điều chỉnh kế hoạch triển khai tên lửa 'sát thủ tàu chiến'
Theo tờ SCMP, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này sẽ đưa vào sử dụng tên lửa 'sát thủ tàu chiến' mới nhất (tên lửa đất đối hạm Type-12 nâng cấp) sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.
Thông tin chi tiết về tên lửa đất đối hạm Type-12 nâng cấp đã được nếu trong Sách trắng thường niên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản được công bố vào đầu tháng này.
Theo Sách trắng, tên lửa nâng cấp đã "trải qua nhiều cuộc thử nghiệm trên thực địa" và sẽ sẵn sàng triển khai vào năm tới - sớm hơn dự kiến 12 tháng.
Bộ này tiết lộ vũ khí siêu thanh của Nhật Bản cũng sẽ sẵn sàng để chuyển giao vào năm 2026, ba năm sau khi bắt đầu sản xuất hàng loạt, khi nước này đặt mục tiêu tăng cường khả năng phòng thủ và tên lửa siêu thanh.
Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara cho biết trong Sách trắng rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với "môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp", đồng thời cũng cam kết sẽ ưu tiên phát triển năng lực tên lửa tầm xa của Nhật Bản. Ông Kihara cho biết: "Nhật Bản sẽ mua nhiều loại tên lửa tầm xa sớm hơn dự kiến ban đầu, bao gồm tên lửa Tomahawk và phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa đất đối hạm Type-12 nâng cấp".
Sách trắng có kèm theo ảnh chụp nguyên mẫu tên lửa nâng cấp, có phần mũi thấp dễ quan sát và cánh gập về phía sau. Mặc dù trông giống với tên lửa không đối đất tầm xa AGM-158 (JASSM) do Hoa Kỳ sản xuất, loại vũ khí của Nhật Bản này vẫn giữ nguyên cánh đuôi hình chữ X và cửa hút khí ở mặt dưới thân máy bay như phiên bản gốc. Đôi cánh mở rộng và động cơ phản lực tầm cao cho thấy Type-12 được nâng cấp sẽ có tầm bay xa hơn đáng kể.
Sách trắng không tiết lộ tầm bắn mới của tên lửa này, nhưng các phương tiện truyền thông Nhật Bản trước đó đưa tin tên lửa này có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 900km (khoảng 560 dặm), mục tiêu mở rộng lên tới 1.200km, thậm chí 1.500km.
Quân đội Nhật Bản đã đặt hàng trị giá 2,35 tỷ USD để mua 400 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk tầm bắn 1.600km do Mỹ sản xuất.
Việc chuyển giao tên lửa Tomahawk cũng đã được đẩy nhanh một năm đến năm 2025. Điều này có nghĩa là khả năng tác chiến của Nhật Bản sẽ được tăng cường đáng kể vào năm tới khi cả tên lửa Type-12 và tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất đều được bổ sung vào kho vũ khí của nước này.
Theo Sách trắng, bên cạnh phiên bản nâng cấp phóng từ mặt đất có khả năng được giới thiệu vào năm tới, Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục phát triển các biến thể phóng từ tàu và phóng từ trên không của Type-12 và có kế hoạch triển khai ít nhất 11 đơn vị tên lửa này.
Nhật Bản cũng đã nghiên cứu các loại đạn lượn siêu tốc (HVGP) và tên lửa siêu thanh từ năm 2018, như một phần trong nỗ lực tăng cường "năng lực phá vỡ và đánh bại các mục tiêu ở khoảng cách xa, qua đó ngăn chặn cuộc xâm lược vào chính Nhật Bản".
Theo một đoạn video được Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần của Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố đầu tháng này, cuộc thử nghiệm HVGP trước khi phóng đã được thực hiện tại California vào ngày 23/3.
Đoạn video cho thấy tên lửa được phóng đi bằng tên lửa đẩy từ bệ phóng gắn trên xe tải, "để kiểm tra hệ thống đo lường cho các cuộc thử nghiệm phóng trong tương lai".
HVGP, hiện vẫn đang trong quá trình phát triển, đã bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm ngoái với mục tiêu bắt đầu giao hàng vào năm 2026.
Phiên bản hiện tại của HVGP dành cho các bệ phóng di động trên đường nhưng một biến thể chống hạm - tương tự như Tomahawk và JASSM - cũng dự kiến sẽ được đưa vào bản vẽ.
Một dự án tên lửa siêu thanh riêng biệt đã được khởi động vào năm ngoái, “với mục đích bắt đầu sản xuất hàng loạt sớm”. Theo Sách trắng, tên lửa siêu thanh sẽ có tốc độ trên Mach 5 và tương thích với tất cả các bệ phóng – bao gồm cả trên bộ, trên tàu và dưới nước – cho phép nó tấn công cả mục tiêu trên bộ và trên biển.