Nhật Bản dỡ bỏ các biện pháp đặc biệt phòng dịch tại 3 địa phương

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp đặc biệt được áp dụng để phòng dịch COVID-19 đối với 3 tỉnh Gunma, Ishikawa, Kumamoto từ ngày 10/6, sớm hơn 3 ngày so với dự kiến.

Rạp chiếu phim được mở cửa trở lại tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/6/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Rạp chiếu phim được mở cửa trở lại tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/6/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các tỉnh nêu trên đã áp dụng các biện pháp đặc biệt phòng dịch từ ngày 16/5. Thời gian gần đây, số ca mắc mới COVID-19 tại những địa phương này đã giảm đáng kể. Cụ thể, số ca mắc mới được phát hiện trong 1 tuần gần nhất tính tỷ lệ trên 100.000 dân ở Gunma là 5 ca, ở Ishiakawa là 10 ca và Kumamoto là 6 ca. Tất cả đều dưới ngưỡng 15/100.000 dân, tương đương “cấp độ 3”. Đây là chỉ số quan trọng để Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định dỡ bỏ các biện pháp đặc biệt phòng dịch COVID-19 đối với 3 địa phương này.

Như vậy, sau ngày 10/6, cơ chế phòng dịch đặc biệt chỉ còn được áp dụng tại các tỉnh Saitama, Chiba, Kanagawa (từ ngày 20/4) và tỉnh Gifu, Mie (từ ngày 9/5) và theo dự kiến đều kéo dài đến ngày 20/6.

Ngày 8/6 Nhật Bản ghi nhận 1.884 ca mắc COVID-19 và 99 ca tử vong, giảm mạnh so với 1 tuần trước đó, trong đó 5 địa phương không phát hiện thêm ca bệnh mới nào. Thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka tiếp tục là hai địa phương có số ca mắc COVID-19 mới theo ngày cao nhất, lần lượt là 369 và 190 ca.

Cùng ngày, Chính phủ Malaysia đã nhất trí thực thi Lệnh hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) từ ngày 10-23/6 tới tại một số địa phương thuộc bang Sabah và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur vì tỷ lệ mắc COVID-19 ở các khu vực này quá cao.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Ismail Sabri Yaakob, cho biết EMCO sẽ được áp dụng đối với các làng Kebayau và Batu Layar thuộc quận Kota Belud, bang Sabah. Hai làng này lần lượt ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 trong số 16 trường hợp xét nghiệm (chiếm 68,76%) và 7 ca mắc trong 11 trường hợp xét nghiệm (chiếm 64,6%). EMCO cũng được áp dụng tại Taman Wawasan thuộc quận Beaufort sau khi cơ quan y tế ghi nhận có 23 ca mắc COVID-19 trong số 37 trường hợp xét nghiệm, chiếm 62,16%.

Lệnh hạn chế nói trên còn được triển khai tại làng Sungai Obar Batu 7, làng Fasa 9B, Taman Indah Jaya thuộc quận Sandakan, bang Sabah và làng Kampung Sungai Penchala thuộc Kuala Lumpur. Đây cũng là những địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đáng kể.

Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, ngày 8/6, nước này ghi nhận 5.566 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc vượt mức 5.000 ca. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này là 627.652 ca, trong đó 3.536 ca tử vong (chiếm 0,56%) và 82.797 ca vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2 (chiếm 13,19%).

Tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Cục Y tế và thực phẩm ngày 9/6 cho biết gần đây giới chức trách ghi nhận một số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, liên quan đến biến thể N501Y.

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, nhà chức trách đặc khu cho rằng để ngăn chặn dịch bùng phát trở lại, việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội là không phù hợp. Vì vậy, Cục Y tế và thực phẩm thông báo các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay sẽ tiếp tục duy trì thêm 14 ngày, trong đó có lệnh hạn chế tụ tập và đeo khẩu trang, cho đến ngày 23/6.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 1/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 1/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Hong Kong tuyên bố sẽ điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội theo diễn biến dịch bệnh và phù hợp với nguyên tắc "bong bóng vaccine".

Tại Maldives, Tổng thống Ibrahim Solih tuyên bố gia hạn thêm 1 tuần các biện pháp hạn chế hiện nay ở nước này nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Theo đó, tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm từ 16h chiều hôm trước tới 8h sáng hôm sau; người dân không được ra khỏi nhà nếu không được sự cho phép của cảnh sát. Sau thời gian này, giới chức trách sẽ đánh giá lại tình hình.

Số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại Maldives đã tăng lên mức cao đỉnh điểm hồi giữa tháng 5 vừa qua, do đó chính phủ nước này đã phải ban hành các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn kéo dài trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 26/5. Bước đi này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi số ca nhiễm mới hằng ngày giảm từ mức trên 2.000 xuống dưới 500 ca trong tuần qua. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 68.502 ca mắc COVID-19, trong đó có 187 ca tử vong.

Phạm Tuân - Hà Ngọc - Lê Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-do-bo-cac-bien-phap-dac-biet-phong-dich-tai-3-dia-phuong-20210609103942795.htm