Nhật Bản đưa lên quỹ đạo vệ tinh nhân tạo bằng gỗ đầu tiên trên thế giới
Ngày 5/11, Nhật Bản phóng lên quỹ đạo vệ tinh nhân tạo bằng gỗ đầu tiên trên thế giới. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến mới của khoa học trong việc chế tạo vệ tinh nhân tạo nói riêng, và công cuộc chinh phục không gian nói chung.
Vệ tinh nhân tạo này thoạt trông giống một hộp gỗ nhỏ, mỗi chiều 10cm. Nhưng đây là một sản phẩm có ý nghĩa và giá trị to lớn đối với ngành hàng không vũ trụ của Nhật Bản nói riêng và của thế giới nói chung, do Đại học Kyoto và tập đoàn lâm nghiệp Sumitomo của Nhật Bản hợp tác nghiên cứu - phát triển, với tên gọi “LignoSat”. Đáng chú ý là LignoSat cũng có đầy đủ các tính năng như các vệ tinh nhân tạo thông dụng khác hiện nay như: quan trắc, thu thập và truyền dẫn thông tin...
Giáo sư Doi Takao thuộc Đại học Kyoto – thành viên nhóm các nhà khoa học tham gia chế tạo LignoSat cho biết: “Đây là vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được làm bằng gỗ thông thường. Và đây cũng sẽ là vệ tinh nhân tạo đầu tiên được Đại học Kyoto đưa vào quỹ đạo, vừa để vận hành thử nghiệm, vừa để kiểm chứng công năng của gỗ trong không gian”.
Ý tưởng về việc chế tạo vệ tinh nhân tạo bằng chất liệu gỗ được hình thành từ tháng 4/2020 trong khuôn khổ dự án “vật liệu gỗ vũ trụ (LignoStella Project)” do Đại học Kyoto và tập đoàn lâm nghiệp Sumitomo phối hợp tiến hành. Tháng 11/2020, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn loại gỗ Mộc Lan Nhật Bản (tên khoa học Magnolia obovata Thunb) để làm vật liệu cho vệ tinh nhân tạo.
Tháng 3/2022, loại gỗ này được thử nghiệm trong môi trường ngoài không gian tại Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Sau 294 ngày, vật liệu này đã chứng tỏ sức chịu đựng tốt với sự khắc nghiệt ngoài vũ trũ. Sau đó, vào tháng 3 năm nay, việc chế tạo LignoSat đã hoàn thành và được giao cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để giám định chất lượng vào tháng 5/2024. Trước đó 1 tháng, thủ tướng Nhật Bản đã cấp giấy phép cho LignoSat.
Về ý nghĩa của thành công này, Giáo sư Doi Takao nói: “Từ trước đến nay, chưa có bất cứ nước nào dự định, hoặc có kế hoạch làm vệ tinh gỗ. Tuy nhiên, việc sử dụng gỗ trong không gian là một phương pháp bền vững, giúp nhân loại có thể tiến xa hơn vào vũ trụ trong tương lai”.
Theo đánh giá của JAXA, vệ tinh nhân tạo bằng gỗ, ngoài việc kiểm chứng, chứng minh được độ bền của gỗ, còn giúp giải quyết một vấn đề khó khăn hiện nay. Đó là ô nhiễm rác thải không gian. Bởi vì, các loại vệ tinh nhân tạo thông thường được làm từ hợp kim như hiện nay, sau khi kết thúc sứ mệnh sẽ tồn tại lâu dài trong không gian, hoặc rơi vào bầu khí quyển, tạo ra các vi hạt siêu mịn, gây những nguy cơ tiềm tàng về môi trường và độ an toàn cho các hoạt động trong không gian. Còn LignoSat sẽ cháy hoàn toàn sau thời gian hoạt động theo dự định, nên sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm. Các chuyên gia Nhật Bản cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện vệ tinh nhân tạo bằng gỗ, hướng tới ứng dụng rộng rãi trong tương lai.