Nhật Bản đưa ra chiến lược giải quyết thách thức dân số

Nhật Bản đang phải đối mặt với thách thức nhân khẩu học sâu sắc khi dân số già đi nhanh chóng do tỷ lệ sinh giảm và các chuẩn mực xã hội đang thay đổi. Hậu quả của xu hướng này là rất sâu rộng, tác động đến nền kinh tế, lực lượng lao động và cơ cấu xã hội. Để ứng phó, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau và các chuyên gia đang đề xuất một chiến lược toàn diện nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng trên.

Nguồn: Getty images

Nguồn: Getty images

Xu hướng suy giảm nhân khẩu học

Dân số Nhật Bản đạt đỉnh điểm ở mức 128 triệu người vào năm 2008, nhưng đang giảm dần, dự đoán sẽ còn 63 triệu người vào năm 2100 nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là tỷ lệ sinh giảm, từ 9,5 ca sinh trên 1.000 phụ nữ vào năm 2000 xuống còn 6,8 trên 1.000 phụ nữ vào năm 2020. Dân số già đi nhanh chóng, với tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng từ 17,4% năm 2000 lên 29,0% vào năm 2022, dự kiến đạt 41,2% vào năm 2100. Ngược lại, dân số trong độ tuổi lao động (những người từ 15 đến 64 tuổi) lại giảm từ 68,1% dân số vào năm 2000 xuống còn 59,4% vào năm 2022 và dự kiến sẽ giảm xuống còn 51,1% vào năm 2100.

Nhiều yếu tố góp phần vào sự suy giảm dân số của Nhật Bản. Trước hết, những thách thức về kinh tế, đặc biệt là chi phí nuôi dạy con cái cao, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, trong đó người làm công ăn lương thường là những lao động không thường xuyên. Theo báo cáo về thu nhập hộ gia đình của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản, thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình do một người lao động không thường xuyên làm chủ hộ là khoảng 60% so với hộ gia đình do một người lao động thường xuyên làm chủ. Vấn đề này phản ánh khoảng cách thu nhập ngày càng lớn.

Một lý do khác là lối sống thay đổi, được đánh dấu bằng xu hướng rời xa cấu trúc gia đình truyền thống, đã dẫn đến tỷ lệ kết hôn giảm mạnh. Mô hình gia đình hạt nhân với vợ chồng và 1-2 con thay đổi khi mọi người bắt đầu theo đuổi khát vọng của riêng mình và xã hội bắt đầu chấp nhận sự đa dạng. Phản ánh sự thay đổi trên, số lượng cuộc hôn nhân tính trung bình trên 1.000 người đã giảm từ 10 vào năm 1970 xuống còn 6,4 vào năm 2000 và còn 4,1 vào năm 2022.

Dân số giảm và già đi đặt ra thách thức kinh tế đáng kể cho Nhật Bản. Lực lượng lao động ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đóng cửa do thiếu người kế thừa. Các ngành nghề cung cấp dịch vụ thiết yếu như giáo viên, bác sĩ, điều dưỡng... phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Những tác động kinh tế tiêu cực được cảm nhận sâu sắc ở các vùng nông thôn, đe dọa mức sống chung của Nhật Bản.

Những chiến lược đã được áp dụng

Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề giảm dân số, như tăng trợ cấp nuôi con và hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa hoàn toàn có hiệu quả. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề giảm dân số, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đã xây dựng "Định hướng chiến lược cho tương lai của trẻ em" vào tháng 6.2023 với mục tiêu ngăn chặn tình trạng giảm số lượng sinh. Kế hoạch cấp tốc này cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ để nuôi con vì chi phí nuôi con cao là một trong những trở ngại chính đối với các bậc cha mẹ tương lai. Các biện pháp được đề xuất bao gồm tăng trợ cấp trẻ em, mở rộng hỗ trợ kinh tế cho việc sinh con và giáo dục đại học. Giới hạn thu nhập của chương trình trợ cấp trẻ em dành cho trẻ em đến hết trung học đã bị bãi bỏ. Kế hoạch cũng bao gồm các biện pháp như cải thiện môi trường làm việc để giảm bớt gánh nặng nuôi dạy con cái và nâng cao chất lượng các nhà trẻ. Chính quyền đang xem xét chi khoảng 3.000 tỷ yên (20 tỷ USD) cho kế hoạch này mỗi năm trong 3 năm tới. Nhưng việc tài trợ cho kế hoạch sẽ là thách thức đối với chính quyền khi đối mặt với khoản nợ khổng lồ của Chính phủ.

Tầm nhìn dân số 2100

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề giảm dân số, Ban Chiến lược dân số của Nhật Bản, một hội đồng tư nhân gồm 28 thành viên từ doanh nghiệp, học viện và các lĩnh vực khác, đã đề xuất "Tầm nhìn Dân số 2100" tới Thủ tướng Kishida vào tháng 1.2024. Nội dung của nó góp ý rằng, Chính phủ nên đặt mục tiêu duy trì dân số trên 80 triệu người vào năm 2100 bằng cách tăng tổng tỷ suất sinh. Ban này khuyến nghị thành lập một ủy ban mới dưới quyền Thủ tướng để giám sát việc xây dựng và thực hiện chiến lược dân số, nhấn mạnh hai chiến lược chính: ổn định dân số và tăng cường kinh tế. Mục tiêu trước là cải thiện điều kiện nuôi dạy con cái, trong khi mục tiêu sau tập trung vào tăng năng suất thông qua phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cả việc tiếp nhận lao động nước ngoài, đặc biệt là những cá nhân có trình độ cao.

Mặc dù nhiều biện pháp được đề xuất không hoàn toàn mới nhưng "Tầm nhìn dân số 2100" cung cấp khuôn khổ toàn diện để giải quyết vấn đề giảm dân số. Để thành công, chính quyền của Thủ tướng Kishida phải xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm giải quyết cả vấn đề ổn định dân số lẫn củng cố nền kinh tế. Sự lãnh đạo mạnh mẽ là rất quan trọng để vượt qua các thách thức, đồng thời cam kết của Thủ tướng Kishida sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình phản ứng của Nhật Bản trước cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/nhat-ban-dua-ra-chien-luoc-giai-quyet-thach-thuc-dan-so-i362065/