Nhật Bản ghi nhận tháng 7/2024 nóng nhất trong 126 năm
Cơ quan thời tiết Nhật Bản cho biết quốc gia này vừa trải qua tháng 7 nóng nhất trong 126 năm trở lại đây, trong bối cảnh các đợt nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây tác động lên nhiều nơi trên thế giới.
Theo hãng tin AFP trích dẫn Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), nhiệt độ trong tháng 7 vừa qua của quốc gia này cao hơn mức trung bình 2,16 độ C, phá vỡ kỷ lục ghi nhận được vào tháng 7/2023 trước đó là cao hơn 1,91 độ C trên mức trung bình.
Trong số 153 trạm quan sát trên khắp Nhật Bản, 62 trạm đã phá kỷ lục nhiệt độ trung bình vào tháng 7/2024. Cơ quan này nhận định: “Đây là mức cao nhất kể từ khi số liệu thống kê bắt đầu vào năm 1898”.
Khu vực Shizuoka, phía tây Tokyo, đã trở thành khu vực đầu tiên của Nhật Bản ghi nhận nhiệt độ lên tới 40 độ C trong tháng 7 – vượt xa ngưỡng 35 độ C được chính quyền địa phương đánh giá là “nắng nóng khắc nghiệt”. Trong khi đó ngày 29/7 vừa qua, khu vực Sano, tỉnh Tochigi ghi nhận nhiệt độ đạt mức 41 độ C.
Nhận định về nguyên nhân gây ra nắng nóng, JMA cho biết hệ thống áp suất cao trên Thái Bình Dương và “không khí nóng từ phía nam” bao phủ các khu vực phía bắc đất nước đã góp phần khiến nhiệt độ tăng đột biến.
Cơ quan này cũng đưa ra dự báo nhiệt độ tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trung bình trên toàn quốc trong tháng 8 và thậm chí có thể ghi nhận những kỷ lục mới trong tương lai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh nắng nóng, cơ quan quản lý thảm họa Nhật Bản cho biết có ít nhất 59 người đã thiệt mạng do say nắng kể từ tháng 4, đồng thời khuyến cáo người dân uống nhiều nước để giảm nguy cơ say nắng.
Các đợt nắng nóng khắc nghiệt đang xảy ra ngày càng phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết Trái Đất đã trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận vào 22/7.
Ngày 25/7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước tích cực hơn nữa trong hành động để giải quyết tình trạng nắng nóng cực độ đang “ngày càng tàn phá các nền kinh tế, làm gia tăng bất bình đẳng, phá hoại các Mục tiêu Phát triển Bền vững và gây nguy hiểm đến tính mạng người dân”.