Nhật Bản gia tăng đầu tư vào lĩnh vực phi chế tạo
Dòng vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam đang gia tăng đầu tư vào nhiều lĩnh vực phi chế tạo, như bán lẻ, giáo dục, y tế, năng lượng, tài chính - bảo hiểm, vận tải, bất động sản…
Các cửa hàng của Uniqlo luôn thu hút đông đảo khách hàng Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Dịch chuyển từ lĩnh vực chế tạo sang phi chế tạo
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang ngày càng đa dạng.
“Trước đây, đến Việt Nam chủ yếu là các công ty chế xuất, nhưng hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, dòng vốn vào tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bất động sản cũng tăng lên. Lĩnh vực chính đang mở rộng từ lĩnh vực chế tạo sang phi chế tạo. Đây là sự chuyển dịch đáng kể từ sản xuất công nghiệp sang tiêu dùng và bán lẻ của các nhà đầu tư Nhật Bản”, ông Shinji trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư.
Bên cạnh đó, mặc dù chi phí đầu vào và giá nhân công ở Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức thấp so với Nhật Bản. Lực lượng lao động cũng được đánh giá là năng động và năng suất cao.
“Với những lợi thế vượt trội đó, nhiều công ty Nhật Bản hoạt động trong các ngành có tổng chi phí lao động lớn như công nghệ thông tin, bán lẻ cũng đang phát triển hơn và dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, ông Shinji nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Tọa đàm Kết nối đầu tư do Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi lớn do ảnh hưởng của Covid-19, nên thương mại điện tử và nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu cũng sẽ thay đổi đáng kể.
“Doanh nghiệp Nhật Bản coi sự thay đổi này như một cơ hội. Vì vậy, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vào các ngành nghề này cũng sẽ gia tăng. Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ, nên tôi nghĩ rằng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cân nhắc đầu tư vào Việt Nam”, ông Yasuyuki nói thêm.
Đặc biệt, ông Yasuyuki cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, tiềm năng phát triển kinh tế cao và điều kiện sống của người dân đang dần được nâng cao. Vì thế, ngành dịch vụ, thiết bị và kinh doanh hàng tiêu dùng sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Việt nam được xác định là thị trường trọng điểm
AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau chính quốc. AEON cũng đã công bố chiến lược này và đang triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam.
Đó là kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng tổng hợp với mục tiêu đạt hơn 30 cửa hàng đến năm 2030; kế hoạch nghiên cứu phát triển sản phẩm nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương; kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản và các nước khác; hợp tác và phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà sản xuất địa phương để cùng phát triển…
Trong khi đó, ông Miura Shota, Giám đốc tài chính của Công ty Uniqlo Vietnam nêu bật tầm quan trọng của thương mại điện tử trong bối cảnh kinh doanh mới.
“Chúng tôi tin rằng, trong tương lai, với việc mở rộng hoạt động bán lẻ trên toàn quốc thông qua kênh thương mại điện tử, chúng tôi sẽ hiểu rõ hơn đặc điểm của khách hàng tại từng địa phương. Để sử dụng những thông tin này một cách hữu ích, chúng tôi cũng sẽ tham khảo ý kiến của các cơ quan chính phủ và các bên liên quan nhằm phát triển các cửa hàng và cải thiện dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu khách hàng. Sứ mệnh của chúng tôi là tiếp tục kích hoạt thị trường bán lẻ và đóng góp cho khách hàng và xã hội Việt Nam thông qua hoạt động thương mại trực tiếp và trực tuyến”, ông Miura Shota khẳng định.
Đối với Uniqlo, Việt Nam là một thị trường khá đặc biệt. Lý do không chỉ vì đây là một nơi có triển vọng cho thị trường bán lẻ, mà còn là nơi Uniqlo có rất nhiều đối tác sản xuất cung cấp các sản phẩm “made in Vietnam” ngay tại địa phương.
“Việt Nam là nơi chúng tôi có cả hoạt động sản xuất và bán lẻ. Đó chính là nơi tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Chúng tôi nhận thấy rằng, dệt may là một ngành quan trọng tại Việt Nam. Nếu hoạt động kinh doanh của chúng tôi ngày càng mở rộng tại Việt Nam, sản lượng sản xuất của nhà máy tại Việt Nam cũng sẽ tăng lên, nhờ vậy chúng tôi có thể đóng góp cho xã hội Việt Nam bằng cả hoạt động sản xuất và bán lẻ”, ông Miura Shota chia sẻ.
Uniqlo vào thị trường Việt Nam từ tháng 10/2018. Tính đến thời điểm này, Công ty đã khai trương 10 cửa hàng trên toàn quốc và cửa hàng trực tuyến được khai trương vào tháng 11/2021. Với việc công bố mở cửa tại Hải Phòng và thêm một cửa hàng khác tại TP.HCM trong thời gian tới, Uniqlo vẫn đang tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Trong khi đó, ở lĩnh vực bất động sản, xây dựng, một loạt nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản đã và đang tham gia thị trường Việt Nam, như Mitsubishi, Nomura Real Estate, Takashimaya, Tokyu, Hankyu Hanshin Properties, Nishi Nippon Railroad…
Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài trong năm 2021, do JETRO thực hiện với trên 700 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, ngoài việc phát triển ngành chế tạo, có một sự gia tăng đáng kể đầu tư vào các ngành phi chế tạo.
Trong ngành chế tạo, 51,7% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới (tăng 4,6% so với năm trước đó), có 58,7% số doanh nghiệp hoạt động trong ngành phi chế tạo có mong muốn mở rộng hoạt động, tăng 12,1 % so với năm 2020.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhat-ban-gia-tang-dau-tu-vao-linh-vuc-phi-che-tao-d162102.html