Nhật Bản hiện đại hóa thị trường việc làm
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang nỗ lực hiện đại hóa thị trường việc làm của Nhật Bản thông qua nhiều chiến lược tăng trưởng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn. Trong khi các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc thúc đẩy nâng cao kỹ năng và dịch chuyển lao động, thì các doanh nghiệp tăng lương để giữ chân nhân tài, đồng thời cạnh tranh với các công ty toàn cầu.
Sự phát triển của thị trường lao động Nhật Bản
Trong nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động theo mô hình coi trọng việc làm trọn đời và thù lao dựa trên thâm niên. Hệ thống này mang lại sự an toàn và lòng trung thành trong công việc, thúc đẩy lực lượng lao động ổn định. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến tình trạng thiếu linh hoạt, kém hiệu quả, đặc biệt trong thời đại mà những tiến bộ công nghệ nhanh chóng và cạnh tranh toàn cầu đòi hỏi khả năng linh hoạt lẫn tư duy đổi mới. Tại thị trường lao động Nhật Bản hiện nay, số người chuyển đổi công việc đang diễn ra nhiều hơn trong bối cảnh tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng. Từ đó, những đặc điểm truyền thống của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản cũng dần thay đổi.
Theo khảo sát của Văn phòng Nội các năm 2018, khoảng 10% nhân viên cấp trung và nhân viên trẻ của nước này cảm thấy muốn tìm kiếm công việc mới để phát huy tài năng của mình tốt hơn hoặc không hài lòng với vị trí hiện tại. Một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy, hơn 80% nhân viên ở độ tuổi 25–44 bày tỏ mong muốn phát triển sự nghiệp một cách độc lập.
Đến năm 2022, hơn một nửa các doanh nghiệp Nhật Bản đã triển khai hệ thống cho phép làm các công việc phụ ngoài việc chính và nhiều công việc đồng thời. Tính linh hoạt này phản ánh sự chấp nhận rộng rãi hơn về các con đường sự nghiệp đa dạng và nhu cầu thích ứng với thị trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng.
Theo một cuộc khảo sát năm 2023, 37% dân số đang làm việc cân nhắc hoặc có kế hoạch thay đổi công việc. Hơn một nửa số người dưới 34 tuổi bày tỏ mong muốn chuyển việc. Những dữ liệu đó cho thấy, thị trường lao động hậu đại dịch của Nhật Bản đang trở nên năng động hơn nhiều.
Dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida, cải cách thị trường lao động đã trở thành chủ đề trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của Nhật Bản. Chính phủ đang đầu tư vào việc phát triển các kỹ năng cá nhân, thúc đẩy việc làm và tạo điều kiện di chuyển lao động. Các chính sách nhằm mục đích chuyển từ hệ thống dựa trên thành viên truyền thống sang hệ thống đưa ra mức lương tương xứng với kỹ năng, từ đó nâng cao năng suất.
Tình trạng thiếu lao động và động lực thị trường
Thực tế, các thay đổi trong thị trường lao động Nhật Bản về cơ bản bắt nguồn từ tình trạng thiếu lao động khá trầm trọng. Dân số trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ giảm gần 15% từ năm 2025 đến năm 2040. Thách thức về nhân khẩu học này đang buộc các doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng.
Tình trạng thiếu lao động đang nâng cao cơ hội cho người tìm việc, mang lại cho họ vị thế thương lượng tốt hơn và thúc đẩy các doanh nghiệp đưa ra mức lương lẫn phúc lợi cạnh tranh hơn. Ngoài ra, mức lương danh nghĩa tăng do lạm phát và rủi ro địa chính trị, cùng với nhu cầu ngày càng tăng về nhân tài kỹ thuật số, đang định hình lại thị trường việc làm.
Những thay đổi đó buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải chuyển đổi mô hình kinh doanh. Trong ba thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp đã bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình bằng giảm giá cả, giảm chi phí, tiền lương và duy trì việc làm. Tuy nhiên, môi trường hiện tại đòi hỏi phải có sự thay đổi theo hướng tăng lương, giữ chân nhân tài, thúc đẩy giá trị gia tăng…
Để bảo đảm nguồn vốn đầu tư vào việc tăng lương và vốn con người, các doanh nghiệp phải đạt được lợi nhuận cao bền vững và cải thiện năng suất. Điều này cũng có nghĩa là người lao động có thể sẽ chuyển sang các doanh nghiệp có năng suất cao, từ đó thúc đẩy năng suất lao động ở cấp độ kinh tế vĩ mô và góp phần tăng trưởng kinh tế dài hạn cho Nhật Bản.
Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết tại đất nước mặt trời mọc đã phục hồi lên mức cao hơn mức 30 năm trước. Sự phục hồi đó phản ánh kỳ vọng rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện có thể thực hiện cải cách mô hình kinh doanh nhằm tăng lợi nhuận vốn cao hơn chi phí vốn dài hạn. Giám đốc điều hành của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường hàng đầu đang ưu tiên đầu tư dài hạn vào tài sản vô hình như vốn con người, đáp ứng yêu cầu năm 2023 của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo về việc xem xét giá cổ phiếu và chi phí vốn khi họ thu hút các nhà đầu tư tổ chức.
Theo giới chức, khi Nhật Bản chuyển từ thời kỳ dư thừa lao động sang thời kỳ thiếu lao động, các chiến lược chính sách mới là rất cần thiết. Việc đào tạo lại kỹ năng cá nhân cần được hỗ trợ để bảo đảm khả năng di chuyển lao động suôn sẻ đến các doanh nghiệp và khu vực có năng suất cao. Ngoài ra, việc hỗ trợ các sáng kiến của doanh nghiệp để áp dụng việc làm phù hợp với mô hình kinh doanh mới cũng rất quan trọng.