Nhật Bản hứng chịu trận động đất lớn: Lời cảnh báo dữ dội của năm 2024
Một trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra ở miền tây Nhật Bản vào chiều thứ Hai (1/1), làm sập nhiều tòa nhà, gây ra cảnh báo sóng thần, khiến người dân phải sơ tán khỏi các khu vực ven biển bị ảnh hưởng. Năm mới 2024 đã chào Nhật Bản theo một cách tồi tệ như thế.
Động đất và sóng thần ngày đầu năm
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), trận động đất xảy ra lúc 4h10 chiều ngày đầu tiên của năm mới theo giờ địa phương, dưới độ sâu 10 km ở bán đảo Noto của tỉnh Ishikawa, Nhật Bản. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ngay lập tức đưa ra cảnh báo sóng thần dọc theo các khu vực ven biển phía Tây nước này và những đợt sóng đầu tiên được báo cáo đã ập vào bờ biển chỉ hơn 10 phút sau trận động đất.
Một số báo cáo đầu tiên đến từ thành phố Wajima thuộc tỉnh Ishikawa, nơi chứng kiến sóng thần cao khoảng 1,2 mét vào khoảng 4h21 chiều, theo Đài truyền hình NHK của Nhật Bản. Thiệt hại về người và tài sản hiện chưa được thống kê. Tuy nhiên, các quan chức thành phố Suzu, tỉnh Ishikawa nói với CNN rằng, các tòa nhà bị hư hại và có ghi nhận về người bị thương. Cảnh sát cho biết một số người bị mắc kẹt trong những ngôi nhà bị hư hại. Sáng 2/1, chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Tuy nhiên, Đài NHK đưa tin, các quan chức bệnh viện ở Suzu đã tiếp nhận những người bị thương và nói thêm rằng một số bác sĩ không thể đến làm việc vì đường sá bị hư hỏng.
Đoạn phim do NHK phát sóng cho thấy một số tòa nhà sụp đổ ở Ishikawa. Theo nhà cung cấp điện Hokuriku Electric Power, hơn 36.000 hộ gia đình bị mất điện ở 2 tỉnh Ishikawa và Toyama. Dịch vụ đường sắt cao tốc đến Ishikawa đã bị đình chỉ trong khi các nhà khai thác viễn thông SoftBank và KDDI báo cáo sự gián đoạn dịch vụ điện thoại và internet ở các tỉnh Ishikawa và Niigata. Trong khi đó, hãng hàng không Japan Airlines hủy hầu hết các chuyến bay đến khu vực Niigata và Ishikawa. Nhà chức trách cho biết một trong những sân bay của Ishikawa đã bị đóng cửa.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã đưa ra “cảnh báo sóng thần lớn” - cảnh báo đầu tiên kể từ trận động đất kinh hoàng năm 2011 - đối với Ishikawa và các cảnh báo hoặc khuyến cáo sóng thần cấp thấp hơn cho phần còn lại của đảo Honshu, cũng như cực Bắc của đảo Hokkaido. Sau đó, JMA hạ xuống thành “cảnh báo sóng thần”, nghĩa là các con sóng vẫn có thể cao tới 3 mét khi cập bờ. Theo hệ thống cảnh báo sóng thần của Nhật Bản, những con sóng cao dưới 1 mét nằm trong “khuyến cáo sóng thần”, trong khi những con sóng cao tới 3 mét nằm trong “cảnh báo sóng thần” và những con sóng cao trên 5 mét nằm trong “cảnh báo sóng thần lớn”.
Dư chấn của động đất cũng đe dọa các nước láng giềng. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cho biết họ đang theo dõi khả năng mực nước biển thay đổi ở các khu vực bờ biển phía Đông Gangneung, Yang Yang và Goseong của tỉnh Gangwon và thành phố Pohang. Truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin, mối đe dọa sóng thần cũng đã được ban bố tại các thành phố phía Đông nước Nga là Vladivostok, Nakhodka và đảo Sakhalin vốn là những vực giáp biển Nhật Bản. Cho đến nay chưa có cuộc sơ tán nào được báo cáo từ các vùng kể trên.
Nỗi ám ảnh Fukushima
Hiện tại, các hoạt động cứu hộ vẫn diễn ra tại tỉnh Ishikawa, nơi các quan chức đã ra lệnh sơ tán và cho biết một số người có thể bị mắc kẹt dưới những tòa nhà bị sập. Trong khi đó, chính quyền Nhật Bản đang đánh giá mức độ thiệt hại từ trận động này. Và, bên cạnh công tác cứu hộ, cứu nạn, Tokyo còn đặc biệt phải tính đến sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.
Người Nhật hẳn vẫn chưa quên cuộc khủng hoảng tàn khốc do trận động đất gây ra gần 13 năm trước, khiến cái tên Fukushima Daiichi trở thành nỗi ám ảnh của cả nước. Vào tháng 3/2011, một trận động đất mạnh 8,9 độ richter và một cơn sóng thần do nó tạo ra đã tàn phá bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản. Sóng thần đánh sập hệ thống làm mát tại 3 trong số các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây ra vụ tan chảy các lõi phản ứng và phun ra bụi phóng xạ trên những vùng đất rộng lớn xung quanh.
Năm đó, động đất và sóng thần đã giết chết hơn 19.000 người và thảm họa hạt nhân, một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử, thì gây ra cảnh báo trên toàn thế giới. Hàng chục ngàn người đã phải sơ tán khỏi các thị trấn và làng nông nghiệp xung quanh nhà máy Fukushima Daiichi và hơn một thập kỷ sau nhiều người vẫn chưa quay trở lại.
Việc dọn dẹp khu vực xung quanh nhà máy Fukushima Daiichi vẫn đang ở giai đoạn đầu. Chính phủ Nhật Bản cho biết nước thải phóng xạ đã qua xử lý được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân có thể sẽ được thải ra trong khoảng thời gian 30 năm, bắt đầu từ tháng 8 vừa qua. Nhưng, kế hoạch này hiện vẫn đang hứng chịu phản ứng từ các nước láng giềng với Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc, do lo ngại môi trường biển bị nhiễm xạ.
Rất may là sau khi xảy ra trận địa chấn tại tỉnh Ishikawa hôm 1/1 vừa qua, Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) cho biết không có bất thường nào được báo cáo tại các nhà máy điện hạt nhân dọc bờ biển nước này, bao gồm 5 lò phản ứng đang hoạt động tại các nhà máy Ohi và Takahama của Kansai Electric Power ở tỉnh Fukui. Cơ quan này cho biết nhà máy Shika của Hokuriku ở Ishikawa, nơi gần vị trí xảy ra trận động đất nhất, đã tạm dừng 2 lò phản ứng để kiểm tra thường xuyên trước trận động đất và do vậy, cũng không chịu ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, Nhật Bản không chủ quan. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết các nhà chức trách Nhật Bản vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại và người dân cần chuẩn bị cho những trận động đất tiếp theo. Ông Kishida nói: “Người dân cần phải cảnh giác về những trận động đất tiếp theo có thể xảy ra và tôi kêu gọi người dân ở những khu vực có thể có sóng thần hãy sơ tán càng sớm càng tốt”.
Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, Hayashi Yoshimasa, cũng cho biết người dân nên chuẩn bị cho những trận động đất tiếp theo có thể xảy ra và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã sẵn sàng triển khai để hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai, với khoảng 1.000 quân nhân đã được cử đến những khu vực động đất để hỗ trợ hoạt động cứu hộ và cứu nạn.
Cả một lịch sử thích nghi với động đất
Các trận động đất và sóng thần lớn thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản, quốc gia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, với một chuỗi gồm ít nhất 450 ngọn núi lửa đang hoạt động hoặc không hoạt động, nằm trải dài khoảng 40.000 km theo hình móng ngựa.
Vì tần suất gặp động đất rất cao, Nhật Bản trong thế kỷ qua đã xây dựng các tòa nhà của mình vào loại có khả năng chống chịu với địa chấn tốt nhất trên thế giới. Thông qua đầu tư, các mệnh lệnh của chính phủ và văn hóa kỹ thuật phù hợp với rủi ro địa chấn, Nhật Bản đã thích nghi được với thiên tai và nhờ đó, cứu sống nhiều người trong một số trận động đất tàn khốc nhất - và thường triển khai các biện pháp bảo vệ mới sau mỗi lần hứng chịu thảm họa.
Chẳng hạn như sau các trận động đất ở tỉnh Mino và Owari vào cuối thế kỷ 19 và trận động đất lớn Kanto năm 1923 khiến hơn 140.000 người thiệt mạng, Nhật Bản đã thúc đẩy việc nghiên cứu các phương pháp khiến những tòa nhà chắc chắn hơn và đưa ra các tiêu chuẩn xây dựng mới. Trong những thập kỷ tiếp theo, mỗi trận động đất lớn ở Nhật Bản đều thúc đẩy các động thái nhằm cải thiện hơn nữa các thông lệ và quy định về xây dựng.
Sau trận động đất ở thành phố Kobe năm 1995 khiến khoảng 6.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác bị thương, Nhật Bản đã đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu công nghệ nhằm tạo ra các công trình an toàn hơn cũng như làm cho các công trình kiến trúc cũ của đất nước trở nên chắc chắn hơn.
Đến năm 2011, khi một trận động đất mạnh 8,9 độ richter tấn công bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản, gây ra trận sóng thần khổng lồ và thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, nhiều tòa nhà đã được trang bị các biện pháp an toàn, chẳng hạn như giằng thêm thép, đệm cao su và hệ thống thủy lực, bộ giảm xóc.
Theo ông Yoshiaki Nakano, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu khoa học Trái đất và phục hồi thiên tai Nhật Bản (NIED), quy định xây dựng chống địa chấn của xứ sở Mặt trời mọc là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới. Các tòa nhà có 2 mức độ chống chịu chính: Một là khả năng chịu đựng các trận động đất nhỏ, thường gặp 3 - 4 lần trong vòng đời; Hai là khả năng chống chịu những trận động đất dữ dội và hiếm gặp hơn.
Sống chung với động đất, các nhà cao tầng ở Nhật Bản cần độ bền cao hơn so với những nơi khác, nên việc theo dõi chặt chẽ quá trình tuân thủ luật, giám sát kiểm tra thiết kế và thi công được người Nhật thực hiện đặc biệt nghiêm túc. Ngoài ra, Nhật Bản cũng thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập khẩn cấp để người dân sẵn sàng ứng phó cho các trận động đất lớn. Nhờ các biện pháp và văn hóa thích nghi đó, Nhật Bản vẫn đứng vững qua những cơn giận dữ khủng khiếp nhất của Trái đất và xây dựng đất nước cường thịnh bất chấp thiên tai thường xuyên ghé thăm.