Nhật Bản hướng đến tiếp cận khu vực trong ngoại giao với ASEAN và Trung Á
Theo trang Nikkei, Nhật Bản sẽ tổ chức một loạt hội nghị thượng đỉnh khu vực trong năm nay và năm 2024, bắt đầu với các quốc gia Đông Nam Á khi nước này tìm cách tạo ảnh hưởng với khu vực Nam bán cầu.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa hôm 12/10 đã gặp lãnh đạo đồng cấp Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara trong khuôn khổ chuyến thăm song phương nước ngoài đầu tiên của bà kể từ khi nhậm chức nhằm thúc đẩy đối thoại của Nhật Bản với chính phủ mới của Thái Lan vừa tuyên thệ nhậm chức vào tháng trước.
Ngoài Thái Lan, bà Kamikawa cũng đến thăm Brunei, Việt Nam và Lào để đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Nhật Bản-ASEAN tại Tokyo vào tháng 12 năm nay.
Theo Nikkei Asia, Nhật Bản xem hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị với ASEAN là một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm nay. Đây là một phần trong cam kết của Nhật Bản với các quốc gia ở khu vực Nam bán cầu. Tokyo cũng xem hơn 100 quốc gia này là đối tác quan trọng để duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền.
Nhiều năm qua, Tokyo cũng đã có những nỗ lực cụ thể để thúc đẩy sự hợp tác với các nước Nam bán cầu, đặc biệt là với ASEAN. Nhật Bản đánh giá ASEAN có vai trò vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị, Nhật Bản cũng ủng hộ các Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).
Chủ trương chung của Nhật Bản là thúc đẩy hợp tác dựa trên sự nỗ lực tự thân của các nước ASEAN, tập trung 4 lĩnh vực hợp tác gồm hợp tác hàng hải, kinh tế, mục tiêu phát triển bền vững và các lĩnh vực hợp tác khả thi khác.
Năm 2023 cũng là năm đánh dấu mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản bước sang năm thứ 50 - giai đoạn hai bên cùng nhau phát triển và cùng trải qua những thách thức chung.
Trong khi đó, Ấn Độ hiện cũng đang định hình vị trí là nước dẫn đầu trong nhóm thúc đẩy tập trung vào những thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.
Để thúc đẩy cam kết, Nhật Bản lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh khu vực nhằm tìm kiếm giải pháp trước những thách thức chung với các quốc gia trong khu vực, cùng với các cuộc gặp song phương để xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn.
Tiếp cận mới của Nhật Bản với khu vực
Thuật ngữ "Nam bán cầu" thường được dùng chỉ chung các nước đang phát triển và các nước mới nổi ở khu vực Trung - Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á, hay Đông Nam Á.
Với ASEAN, Nhật Bản sẽ kêu gọi hợp tác về công nghệ số và an ninh hàng hải. Tokyo sẽ đề xuất cung cấp hỗ trợ công nghệ cho khu vực, bao gồm cuộc họp tiềm năng để thảo luận về quá trình khử carbon ở châu Á.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với 5 quốc gia Trung Á vào năm 2024 và thảo luận về kế hoạch này tại cuộc gặp ngoại trưởng với Kazakhstan vào cuối tháng 9 năm sau. Đây là quốc gia có trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên dồi dào cũng như các kim loại công nghiệp quan trọng.
Hội nghị lãnh đạo các quốc đảo và vùng lãnh thổ tại Thái Bình Dương, được tổ chức ba năm một lần, sẽ diễn ra vào năm 2024. Nhật Bản và Cộng đồng Caribe đang đẩy mạnh khám phá các cơ hội đối thoại cấp cao sẽ diễn ra vào năm 2024, đánh dấu mốc là năm hữu nghị.
Cách tiếp cận dựa trên khu vực này được mô phỏng theo Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) mà Nhật Bản đã từng phát động vào năm 1993, giống như cách Mỹ và Châu Âu đang thu hẹp lại việc tham gia vào Châu Phi sau hậu quả của Chiến tranh Lạnh.
TICAD là một sự kiện quốc tế được tổ chức theo sáng kiến của Nhật Bản từ năm 1993, với mục đích thúc đẩy đối thoại chính sách giữa lãnh đạo các nước châu Phi và các đối tác phát triển về các vấn đề cấp bách mà châu lục này đang phải đối mặt như phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo.
Sự kiện này do Chính phủ Nhật Bản, Liên hợp quốc (UN), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) đồng tổ chức.
TICAD kể từ đó đã đóng vai trò là nền tảng cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản với Châu Phi. Nhật Bản cũng sử dụng khuôn khổ này để cung cấp hỗ trợ kinh tế cho các quốc gia trên lục địa và dành được phiếu tín nhiệm khi tranh cử vào ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
"Chúng ta sẽ không bao giờ có thể vượt qua sự chia rẽ và cạnh tranh khốc liệt, cũng như không thể hình thành một cộng đồng quốc tế để hợp tác nếu không lắng nghe tiếng nói từ các quốc gia Nam bán cầu và hợp tác chặt chẽ với với khu vực này", Thủ tướng Nhật Bản Kishida nói vào tháng 9 tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ).
Ở bối cảnh hiện tại, Nhật Bản đang tăng cường hợp tác với Nam bán cầu một phần để chống lại những thách thức mới trong khu vực. Vì vậy, xu hướng dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản sang ASEAN sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế Nhật Bản - ASEAN lên tầm cao mới.