Nhật Bản 'hụt hơi' trong cuộc đua công nghệ
Xét nhiều khía cạnh, Nhật Bản dường như đang giảm tốc, bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua công nghệ diễn ra nhanh chóng, đầy cạnh tranh trên thế giới.
Công nghệ Nhật Bản giảm tốc
Nền kinh tế thứ ba thế giới từng là nước dẫn đầu về công nghệ sáng tạo và có tầm ảnh hưởng lớn. Nhật Bản phát minh ra máy tính bỏ túi, máy nghe nhạc Sony Walkman và đèn LED. Nhưng gần đây, nước này đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua sáng tạo.
Nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey cho thấy Nhật Bản bắt đầu mất đà trong cuộc đua từ năm 2000 – khi doanh thu của các công ty như Sony, Toshiba giảm mạnh so với các công ty hàng đầu trong ngành như Apple và Samsung.
Trong những năm 1980 và 1990, các công ty Nhật Bản nổi tiếng vì sản xuất ra những sản phẩm công nghệ tiêu dùng nhẹ hơn, mỏng hơn. Nhưng sau đó thị trường thay đổi, các sản phẩm “siêu kỹ thuật” không còn hấp dẫn và dần bị thay thế bởi sản phẩm chú trọng vào phần mềm.
Ngoài ra, sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp như Google, Netflix, Facebook và Amazon đã mang lại cho thế giới công nghệ những sáng tạo thú vị nhất trong 20 năm qua. Ông Kenji Nonaka, đối tác cấp cao của McKinsey nhận định: “Ở Nhật Bản, cộng đồng khởi nghiệp rất hạn chế. Ai cũng muốn vào công ty lớn làm việc”.
Các chuyên gia cũng cho rằng Nhật Bản giảm tính sáng tạo công nghệ là do văn hóa làm việc thuần nhất và hệ thống tài chính ngại rủi ro, dẫn tới hạn chế sáng tạo và đổi mới. Hơn nữa, chính phủ lại tham gia chỉ đạo đầu tư công nghệ.
Theo kênh CNN, cần có cách tiếp cận đầu tư khác và đó là điều đặc biệt quan trọng. Các nhà đầu tư thiên thần (đầu tư vào doanh nghiệp mới hoặc nhỏ, cung cấp vốn để mở rộng kinh doanh hoặc khởi nghiệp) có rất nhiều ở Mỹ và Trung Quốc – nơi người ta sẵn sàng đánh cược vào những con người và công ty dám chịu rủi ro và dám thất bại. Nhưng ở Nhật Bản, người ta có văn hóa sợ thất bại. Tại các tập đoàn lớn, không thất bại còn quan trọng hơn là thành công.
Định hướng thay đổi
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nhật Bản không còn sáng tạo nữa. Vẫn có nhiều ý tưởng ở đất nước này nhưng chỉ không hấp dẫn như ở Thung lũng Silicon hay Thâm Quyến. Nhật Bản giỏi tiếp nhận sản phẩm công nghệ hiện có và mang tới những cải tiến quan trọng cho các sản phẩm đó để có thể sản xuất hàng loạt dễ dàng hơn. Khi Sony ra mắt máy nghe nhạc Walkman năm 1979 thì công nghệ cát sét từ đã có mặt hơn 10 năm rồi.
Nhật Bản vẫn là nước dẫn đầu thế giới về sáng tạo công nghệ dựa trên một thước đo khác. Nước này có số bằng sở hữu trí tuệ trên đầu người nhiều nhất thế giới năm 2018.
Trong bối cảnh đó, xuất hiện công ty Preferred Networks. Đồng sáng lập công ty, ông Daisuke Okanohara cho rằng sự đa dạng chính là giải pháp cho Nhật Bản. Công ty ông có khoảng 270 nhân viên, trong đó 10% là người nước ngoài tới từ trên 30 quốc gia. Công ty này khuyến nghị dùng tiếng Anh ở văn phòng và và thuê phiên dịch để giúp giao tiếp. Ông Ohanohara nói: “Chúng ta cần đa dạng hơn để suy nghĩ hoặc thích nghi với ý tưởng mới lạ, cấp tiến”.
Sản phẩm nổi bật của Preferred Networks là loại robot hỗ trợ con người. Nó có thể tìm quần áo bẩn để giặt ngay cả khi bạn đã bỏ nó ra chỗ khác. Ông Okanohara cho rằng phần mềm trí tuệ nhân tạo của công ty giúp robot này thích ứng với thay đổi trong môi trường theo cách đặc biệt.
Công nghệ này là niềm tự hào của Preferred Networks – công ty trị giá 2 tỷ USD theo định giá của CB Insights. Mức giá trị này là hiếm với một công ty khởi nghiệp Nhật Bản. Mỹ và Trung Quốc có hàng trăm công ty kỳ lân (công ty công nghệ tư nhân trị giá từ 1 tỷ USD trở lên) nhưng Nhật Bản chỉ có ba công ty.
Ông Nonaka thuộc công ty tư vấn McKinsey cho rằng công ty khởi nghiệp Nhật Bản còn cần có tham vọng toàn cầu. Ông nói: “Nhiều công ty khởi nghiệp đã rất hài lòng với việc thành công ở Nhật Bản. Nhật Bản không phải là thị trường nhỏ nhưng lại nhỏ so với Mỹ và Trung Quốc. Họ cần nghĩ tới phát triển ở Mỹ và Trung Quốc khi bắt đầu kinh doanh”.