Nhật Bản 'hụt hơi' trong cuộc đua phát triển xe tự lái?
Là một trong những quốc gia cũng từng rất quyết tâm, nhưng Nhật Bản hiện cũng gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi mục tiêu xe tự lái.
Con đường phát triển ngành công nghiệp xe tự lái tại Nhật Bản vốn đã được đề ra từ sớm và được định hướng bởi nhà nước. Từ năm 2014, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập chương trình quốc gia SIP-adus phối hợp liên ngành nhằm hiện thực hóa các đổi mới về khoa học và công nghệ, trong đó có bao gồm xe tự lái.
Ông Kuzumaki Seigo, người đứng đầu chương trình này chia sẻ: “Phát triển công nghệ xe tự lái là cả một quá trình đòi hỏi sự đầu tư cao. Thường thì ở mảng này, các công ty sẽ cạnh tranh với nhau bằng công nghệ của riêng mình. Nhưng với SIP, chúng tôi sẽ đề ra một số mảng mà các công ty cần phải phối hợp và phát triển cùng nhau”. Hiện Nhật Bản vẫn đang theo đuổi mục tiêu xây dựng 50 điểm cung cấp dịch vụ xe tự lái vào năm 2025, nhưng theo hãng tin Bloomberg, các xe tự lái hoàn toàn cấp độ 4 vẫn rất ít thấy tại quốc gia này.
Cho đến nay, tỉnh Fukui nằm trên đảo Honshu là nơi duy nhất tại Nhật Bản có xe tự lái cấp độ 4. Theo đó, tại thị trấn Eiheiji hiện có một số lượng nhỏ xe tự lái loại xe golf 7 chỗ chỗ được phép hoạt động trong bán kính khoảng 2 km với vận tốc cũng rất hạn chế: 12km/h. Còn lại chủ yếu xe tự lái tại Nhật Bản vẫn chỉ ở cấp độ 2, cùng một số lượng giới hạn xe tự lái cấp độ 3 được vận hành bởi Honda Motor. Theo nhà sản xuất ô tô TuSimple, đáng lẽ Nhật Bản nên là một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ tự lái, bởi quốc gia này đang đối mặt với tình trạng thiếu tài xế, với 45,2% tài xế ở quốc gia này có độ tuổi trên 50.
Sự hạn chế về xe tự lái cấp 4 tại Nhật Bản hoàn toàn trái ngược với hiện trạng tại Mỹ hay Trung Quốc, nơi xe tự lái cấp cao đã được thử nghiệm, vận hành trong một thời gian dài. Như San Francisco tại Mỹ có xe tự lái Waymo được vận hành bởi công ty Alphabet. Còn tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã cho phép các nhà khai thác dịch vụ vận tải vận hành và tính phí xe taxi tự lái cấp độ 4 tại một số khu vực nhất định.
Phải tới giữa năm nay, Chính phủ Nhật Bản mới thông qua dự thảo luật sửa đổi Luật giao thông đường bộ nhằm cho phép các loại xe tự hành cấp độ 4 hoạt động trên đường phố mà không cần người lái. Dự thảo này cũng bao gồm các quy định về vận hành xe robot giao hàng, bán hàng tự động như hạn chế tốc độ, đảm bảo các quy định ATGT v.v… Tương tự như các dịch vụ xe tự lái khác tại Nhật, mục đích của việc áp dụng xe giao hàng tự động là để giải quyết tình trạng thiếu nhân công, tài xế. Một vài người dân chia sẻ:
“Tôi nghĩ những chiếc xe bán hàng này rất hay. Bạn có thể shopping dễ dàng hơn, thậm chí là có thể ngắm nghĩa đồ thoải mái dù không mua một món nào mà không cảm thấy “tội lỗi”.”
“Tôi nghĩ những xe giao hàng này sẽ giúp cuộc sống của người dân dễ chịu hơn, bởi rất nhiều nơi hiện nay đang thiếu lao động. Những chiếc xe này càng phổ biến thì sinh hoạt của người dân càng trở nên tiện lợi”.
Theo công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey&Company, thị trường xe tự lái vốn được định giá 400 tỷ USD vào năm 2035 có thể bị đe dọa nếu vẫn cứ tiếp tục tình trạng như hiện tại. Ông Hideyuki Yamada, chủ tịch của Machidukuri ZEN Connect, đơn vị đang vận hành xe tự lái cấp 4 tại tỉnh Fukui cho biết, trở ngại lớn nhất trong việc thử nghiệm của họ là cơ quan chức năng chưa cho phép xe tự lái cấp 4 băng qua các ngã tư. “Một khi trở ngại này được loại bỏ, tôi tin rằng việc nghiên cứu, phát triển xe tự lái tại Nhật sẽ có đột phá” - Ông Hideyuki cho biết.
Theo ông Kenichi Hayashi, người đứng đầu văn phòng hoạch định chính sách công nghệ xe tự lái, Cục Giao thông đường bộ Nhật Bản cho biết, đối với các nhà sản xuất, xe tự lái hiện đang thiếu tiềm năng sinh lời, chưa kể việc họ còn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra sự cố, tai nạn. Hạ tầng giao thông chật hẹp, ưu tiên nhiều hơn cho xe đạp cũng là một trở ngại.
Mặc dù các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể không tích cực theo đuổi các dịch vụ xe tự lái ở thị trường trong nước nhưng họ lại hoạt động tích cực hơn nhiều ở nước ngoài. Nissan Motor đang tìm cách triển khai taxi tự hành ở Trung Quốc với sự hợp tác của các công ty địa phương. Toyota Motor và chi nhánh sản xuất tại Trung Quốc, cùng với công ty công nghệ xe tự lái Pony.ai, sẽ đầu tư hơn một tỷ nhân dân tệ (khoảng 188,5 triệu USD) vào một thương hiệu xe tự lái mới.
Dù vậy, với việc chính phủ Nhật Bản đã “mở đường” cho xe tự lái cấp độ 4, nhiều NSX kỳ vọng quá trình phát triển và thử nghiệm xe tự lái trong nước vẫn sẽ kịp tăng tốc. Cho đến nay, có khoảng 60 thành phố tại Nhật Bản đã nộp đơn xin triển khai dịch vụ xe tự lái. Theo ông Kenichi Hayashi, Cục GT đường bộ Nhật Bản, đây là một tín hiệu tốt cho thấy Nhật Bản đang không bị bỏ lại quá xa, và vẫn có thể có những đột phá trong tiến trình phát triển xe tự lái.
Còn tại Việt Nam, công nghệ xe tự lái cũng bước đầu được nhiều đơn vị triển khai nghiên cứu như Vinfast và FPT. Tuy nhiên, với những đặc thù về hạ tầng, phương tiện giao thông, rõ ràng vẫn còn nhiều thách thức để chúng ta có thể trông thấy những chiếc xe tự lái trên đường phố Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế đánh giá, việc giao thông phức tạp ở Việt Nam có thể mang lại cơ hội cho các nhóm nghiên cứu. Bởi nếu giải quyết được các vấn đề hiện tại, các bài toán giao thông tại Việt Nam, chiếc xe của Việt Nam có thể vận hành ở bất cứ môi trường nào. Với sự phát triển của công nghệ, tương lai giao thông Việt Nam có thể chứng kiến sự thay đổi đáng kể nếu có sự xuất hiện của xe tự lái.