Nhật Bản in 3D thành công vân mỡ lên miếng thịt bò wagyu
Bằng cách cô lập tế bào thịt bò, các nhà khoa học có thể sắp xếp vị trí các cơ, mạch máu và chất béo. Sau đó, họ định hình những mô này thành miếng bíttết bằng cách sử dụng kỹ thuật in 3D sinh học.
Nhóm nhà khoa học tại Đại học Osaka của Nhật Bản đã tìm ra cách để in 3D vân mỡ của miếng thịt bò wagyu trong phòng thí nghiệm.
Bằng cách cô lập tế bào thịt bò, các nhà khoa học có thể sắp xếp vị trí các cơ, mạch máu và chất béo. Sau đó, họ định hình những mô này thành miếng bít tết bằng cách sử dụng kỹ thuật in 3D sinh học.
Kỹ thuật này cho phép "in" tế bào xếp chồng từng lớp lên nhau để giống với các mô thật của sinh vật sống.
Các nhà nghiên cứu tin rằng nghiên cứu này là một bước tiến lớn đối với tương lai sản xuất thực phẩm bền vững, nơi thịt được nuôi cấy gần giống với sản phẩm hiện có.
"Bằng cách cải tiến công nghệ này, trong tương lai, con người không chỉ tái tạo cấu trúc thịt phức tạp, chẳng hạn như vân mỡ đẹp mắt của thịt bò Wagyu, mà còn có thể điều chỉnh các thành phần chất béo và cơ của thịt," Michiya Matsusaki, một trong những nhà nghiên cứu của dự án, cho biết.
Michiya Matsusaki nói thêm rằng với những điều chỉnh này, khách hàng có thể đặt hàng một phần thịt được nuôi cấy với lượng chất béo mà họ mong muốn, được chế biến tùy theo sở thích và sức khỏe của họ.
Thịt bò wagyu là loại thịt cực kỳ đắt tiền của Nhật Bản, nổi tiếng khắp thế giới vì độ mềm và ngon. Do đó, giá bán bò wagyu cao cấp lên tới 200 USD/453 gram, trong khi một con bò trưởng thành có thể được bán với giá hơn 30.000 USD.
Năm 2019, hoạt động xuất khẩu wagyu của Nhật Bản đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục với 268,8 triệu USD, tăng 20% so với năm 2018.
Được biết trước đó nhà nghiên cứu Aleph Farms và Khoa Kỹ thuật Y sinh tại Học viện Công nghệ Technion Israel từng nỗ lực làm bít tết bằng máy in sinh học.
Vào tháng 2 vừa qua, họ đã nuôi cấy bít tết ribeye (miếng thịt sườn không xương) bằng cách sử dụng tế bào thịt bò thật./.