Nhật Bản lại có nguy cơ suy thoái vì Covid-19

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ Nhật Bản vừa thông báo tái áp đặt tình trạng khẩn cấp tại Thủ đô Tokyo và 3 tỉnh có thể gây ra một cuộc suy thoái kép, nếu các biện pháp hạn chế cứng rắn này không ngăn chặn được làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tại nước này.

Cuối tuần trước, Nhật Bản đã quyết định tái Tuyên bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 đối với 4 tỉnh, TP của Nhật Bản là Tokyo, Kyoto, Osaka và Hyogo - những khu vực đang đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế của nước này. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp, điều này đang cản trở đà phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn được thúc đẩy bằng tăng trưởng xuất khẩu và phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thời gian áp tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 25/4 đến hết ngày 11/5, qua cả kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng - vốn là dịp cao điểm du lịch và mua sắm.

 Nhật Bản lần thứ 3 phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19. Ảnh: NYT

Nhật Bản lần thứ 3 phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19. Ảnh: NYT

Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 4 với các ca nhiễm mới tăng mạnh tại các thành phố lớn như Tokyo và Osaka. Tốc độ lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 đang trở thành “cơn gió ngược” đối với đà phục hồi kinh tế Nhật Bản bởi chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại nước này đang diễn ra khá chậm chạp. Hiện tại, chỉ hơn 1% dân số Nhật được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. "Trong khi số lượng ca mắc Covid-19 mới tăng đột biến, tốc độ tiêm vaccine của Nhật lại chậm hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Điều này khiến khả năng phục hồi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường của Nhật Bản càng trở nên mong manh", Ryota Sakagami - chiến lược gia trưởng về chứng khoán tại J.P. Morgan Securities Nhật Bản nhận định trong một báo cáo mới đây.
Trước khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, Nhật Bản kỳ vọng phục hồi kinh tế tăng cao trong quý II năm nay. Song triển vọng tích cực này khó có thể trở thành hiện thực nếu chính quyền Tokyo tiếp tục phải kéo dài tình trạng khẩn cấp sau thời hạn ngày 11/5 để kiểm soát dịch Covid-19.
Các nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Daiwa do chuyên gia Keiji Kanda đứng đầu nhận xét: “Nhật Bản khó có thể đạt được sự phục hồi kinh tế theo mô hình chữ V trong quý II/2021. Thay vào đó, nước này có thể tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng âm trong thời gian từ tháng 4 - 6”. Chuyên gia Keiji Kanda ước tính 17 ngày áp dụng trạng thái khẩn cấp tại 4 tỉnh, TP sẽ khiến nền kinh tế Nhật thiệt hại 699 tỷ Yên (khoảng 5,56 tỷ USD).
Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19 lần này sẽ gây nhiều khó khăn hơn đối với ngành dịch vụ và lĩnh vực giải trí. Yoshimasa Maruyama, nhà kinh tế thị trường trưởng tại công ty chứng khoán Nikko cho biết: “Các lĩnh vực giải trí và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với 3 tháng đầu năm nay. Điều quan trọng là nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào trong tháng 5 và liệu có thể phục hồi được trong tháng 6”.
Theo các nhà phân tích kinh tế, mặc dù thiệt hại kinh tế từ việc tái áp đặt tình trạng khẩn cấp trong quý II năm nay thấp hơn mức giảm kỷ lục gần 29% trong quý II/2020, song việc kiềm chế đợt bùng phát Covid-19 mới hiện là vấn đề cấp bách nhất đối với Nhật Bản khi chỉ còn 3 tháng nữa là diễn ra Thế vận hội Olympic Tokyo.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhat-ban-lai-co-nguy-co-suy-thoai-vi-covid-19-416977.html