Nhật Bản lập các khu vực giảm phát thải tiên tiến

Chính phủ Nhật Bản đã chỉ định hàng chục thành phố là 'khu vực giảm phát thải carbon tiên tiến', qua đó công nhận cam kết của các thành phố này hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 từ các hộ gia đình và mức tiêu thụ điện dân dụng khác vào tháng 4-2030.

Một kho lưu trữ khí đốt sinh học tại Nhật Bản. Ảnh: Gasworld

Một kho lưu trữ khí đốt sinh học tại Nhật Bản. Ảnh: Gasworld

Trong 2 năm, tính đến năm tài chính 2023 (kết thúc ngày 31-3), Chính phủ Nhật Bản đã chọn 73 địa điểm tại 36 tỉnh theo sáng kiến này và có kế hoạch tăng số khu vực được chỉ định lên ít nhất 100 vào năm tài chính 2025. Các khoản tài trợ dành cho chính quyền địa phương đang được sử dụng để hỗ trợ nỗ lực giảm phát thải CO2 và các chương trình phục hồi khu vực, với trọng tâm là năng lượng tái tạo. Một số sáng kiến tập trung vào việc khai thác tiềm năng của ngành chăn nuôi và nông nghiệp địa phương.

Thị trấn Kamishihoro ở Hokkaido được chỉ định là khu vực tiên tiến để khử carbon trong năm tài chính 2022. Kể từ tháng 1-2017, thị trấn đã triển khai dự án sản xuất điện bằng khí sinh học từ phân gia súc lên men. Điện cung cấp cho người dân thông qua Công ty tiện ích Kamishihoro Energy ở địa phương. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, công ty đã ký kết 434 hợp đồng cung cấp điện. Trước đây, thị trấn với tổng số gia súc ước tính 40.000 con, đối mặt với thách thức đáng kể trong việc quản lý lượng lớn phân gia súc thải ra mỗi ngày. Để ứng phó, các quan chức thị trấn đã thảo luận với nông dân địa phương và quyết định xây dựng một nhà máy biogas. Chính quyền thị trấn cũng có kế hoạch sử dụng các khoản tài trợ của chính phủ để phát triển hệ thống phát điện năng lượng mặt trời quy mô lớn, với mục tiêu tăng số lượng hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Tại tỉnh Kochi, làng Kitagawa được chỉ định là khu vực tiên tiến để khử carbon trong năm tài chính 2023. Tận dụng lượng mưa dồi dào, chính quyền địa phương có kế hoạch đưa thủy điện quy mô nhỏ vào sản xuất tại 4 địa điểm, bao gồm các khu vực sông và đập. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào cuối năm tài chính hiện tại, với mục tiêu hoàn thành vào cuối năm tài chính 2028. Công suất phát điện dự kiến đạt khoảng 740Kw. Điện tạo ra sẽ cung cấp cho cộng đồng địa phương thông qua công ty do chính quyền địa phương và Shikoku Electric Power sở hữu một phần. Hồi tháng 4, hơn 100 tình nguyện viên đã tập trung tại khu Yokohama, thành phố lớn thứ hai tại Nhật Bản sau Tokyo, trồng cỏ lươn dưới đáy biển để lưu giữ khí CO2. Sự kiện này là một phần của Dự án carbon xanh Yokohama nhằm thúc đẩy các biện pháp đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên biển.

Theo báo cáo gửi lên Liên hợp quốc vào cuối quý 1-2024 về tình trạng phát thải khí nhà kính của Nhật Bản, tổng lượng khí thải của nước này khoảng 1.085 triệu tấn CO2. Chính phủ Nhật Bản cung cấp các khoản tài trợ lên đến 5 tỷ yen (34 triệu USD) trong vài năm cho mỗi khu vực tiên tiến này để khử carbon. Ngoài việc hỗ trợ các nỗ lực khử carbon, chính quyền còn đặt mục tiêu giới thiệu các khu vực được chọn trên toàn quốc như các dự án mẫu. Sáng kiến này phù hợp với mục tiêu lớn hơn của Chính phủ Nhật Bản là giảm phát thải ròng khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhat-ban-lap-cac-khu-vuc-giam-phat-thai-tien-tien-post754130.html