Nhật Bản lo lắng khi Ấn Độ sắp trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới
Thông báo vào năm 2025, Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản về tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa tính bằng đồng USD đã gây sốc cho Tokyo, quốc gia cho đến năm 2010 vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng hiện đang trên đà tụt xuống vị trí thứ năm.
Trong ước tính được công bố vào cuối tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng GDP danh nghĩa của Ấn Độ sẽ đạt 4,34 nghìn tỷ USD (4,03 nghìn tỷ euro) vào năm 2025, vượt qua mức 4,31 nghìn tỷ USD của Nhật Bản. Thời điểm Ấn Độ vươn lên vị trí thứ tư trên thế giới đến sớm hơn một năm so với ước tính cuối cùng của IMF, phần lớn là do đồng Yên yếu đi.
Sự suy giảm vị thế kinh tế toàn cầu của Nhật Bản diễn ra sau khi chính phủ xác nhận rằng quốc gia này tụt lại phía sau Đức vào năm 2023. Cú sốc về việc Ấn Độ có thể vượt qua Nhật Bản vào năm tới có thể so sánh với năm 2010, khi một Trung Quốc đang hưng thịnh thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách trưởng của Đơn vị Tình báo Thị trường Toàn cầu của Fujitsu, cho biết: “Đối với Nhật Bản, đây là một mối lo ngại rất lớn – nhưng rất ít người nói về nó một cách cởi mở vì nó rất đáng xấu hổ và rất khó giải quyết”.
Ông Schulz cho biết, những vấn đề mà đất nước phải đối mặt đã được cựu Thủ tướng Shinzo Abe nhận ra khi ông trở thành Thủ tướng vào năm 2012 và công bố các kế hoạch sâu rộng mang tên “Abenomics” nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Nhật Bản.
Trong khi hai trong số “ba mũi tên” của chính sách – nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản và kích thích tài chính thông qua chi tiêu của Chính phủ – đạt được mức độ thành công tốt, thì mũi tên thứ ba, về cải cách cơ cấu, lại không thành công.
Giống như những nơi khác, đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn đang có tác động rõ rệt đến nền kinh tế Nhật Bản, nhưng các chỉ số khác cho thấy một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã gây áp lực mới lên Tokyo khi công bố báo cáo mới nhất về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào ngày 2/5.
Trong khi OECD dự đoán mức tăng trưởng của toàn thế giới là 3,1%, tăng từ mức 2,9% trong báo cáo tháng 2 và dự báo rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ vượt xa những dự đoán trước đó.
Ông Schulz cho biết đồng yên yếu được cho là thách thức lớn nhất của Chính phủ Nhật Bản vào thời điểm hiện tại, thể hiện qua hai lần can thiệp thị trường rõ ràng vào tháng 4 nhằm củng cố đồng tiền.
“Đồng yên đang trở thành một vấn đề lớn và trong quá khứ, nếu các Chính phủ hành động thì nó sẽ phục hồi trở lại, nhưng lần này điều đó không xảy ra”. Nhà kinh tế nhấn mạnh, sự can thiệp của thị trường là "vô ích" và sẽ tiếp tục như vậy chừng nào lãi suất vẫn giữ nguyên.
Chuyên gia chỉ ra, giải pháp là Ngân hàng Nhật Bản áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và quốc gia tập trung vào việc cải thiện năng suất.
Lê Na (Theo DW)