Nhật Bản mạnh tay với Hàn Quốc
Khước từ lời kêu gọi của Hàn Quốc bãi bỏ những hạn chế đối với một số mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao, Nhật Bản cũng đang xem xét siết chặt các hạn chế xuất khẩu công cụ máy móc và nguyên liệu cao cấp vào giữa tháng 8
Nhật Bản ngày 9-7 đã khước từ lời kêu gọi của Hàn Quốc bãi bỏ những hạn chế đối với một số mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao, đồng thời khẳng định không có kế hoạch rút lại quyết định hoặc thương lượng về vấn đề trên.
"Biện pháp này không phải là chủ đề để tham vấn và chúng tôi cũng không có ý định rút lại" - hãng tin AP trích dẫn thông báo của chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tại một cuộc họp báo. Còn Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko nhấn mạnh Tokyo không hề vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo hãng tin Reuters, động thái trên từ phía Nhật Bản làm gia tăng căng thẳng trong cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ liên quan đến chuyện người dân Hàn Quốc từng bị ép buộc làm việc cho các hãng Nhật hồi thế chiến thứ II. Hàn Quốc xem các biện pháp thương mại của Nhật Bản là hành động trả đũa sau khi tòa án Hàn Quốc gần đây đã ra phán quyết buộc các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nguyên đơn Hàn Quốc dù Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phủ nhận điều này.
Tuần trước, Tokyo cho biết sẽ siết chặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu 3 vật liệu được sử dụng trong sản xuất màn hình và chip điện thoại thông minh. Các vật liệu công nghệ cao bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế xuất khẩu mà Nhật Bản đưa ra bao gồm polyimide có chứa fluor để sản xuất màn hình điện thoại thông minh và TV, chất cản quang và hợp chất hydrogen fluoride (HF) - được sử dụng để chế tạo chất bán dẫn. Giới chức Nhật Bản nhấn mạnh các hóa chất trên là những nguyên liệu nhạy cảm có thể được sử dụng trong máy bay chiến đấu, radar và vũ khí hóa học. Họ xác nhận rằng quyết định siết chặt hạn chế xuất khẩu dựa trên cơ sở thiếu sự tin cậy liên quan đến an ninh quốc gia.
Động thái nêu trên có thể ảnh hưởng đến các công ty công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc, cũng như làm nổi bật thế thống trị của Nhật Bản đối với một bộ phận quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu mà chính phủ này đang sử dụng là một quân bài thương lượng. Nhật Bản sản xuất khoảng 90% polyimide có chứa fluor và chất cản quang, khoảng 70% hợp chất HF trên toàn cầu.
Những công ty công nghệ khổng lồ Hàn Quốc như Samsung, SK Hynix và LG Display đều có thể bị ảnh hưởng. Từ đó, theo báo The South China Morning Post, các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc có thể buộc phải xây dựng kho dự trữ nguyên liệu vì phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản.
Nhật Bản cũng đang xem xét thực hiện các biện pháp bổ sung đối với Hàn Quốc vào giữa tháng 8 tới, siết chặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu các công cụ máy móc và nguyên liệu cao cấp.
Theo báo Japan Times, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc dự kiến sẽ thảo luận vấn đề trên với người đồng cấp ở Washington. Bộ trưởng Thương mại nước này cũng đang cân nhắc việc đến Mỹ. Chưa hết, Hàn Quốc có kế hoạch khiếu nại lên WTO.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ gặp lãnh đạo 30 tập đoàn lớn của Hàn Quốc vào ngày 10-7 để thảo luận phương án đối phó với động thái của phía Nhật Bản. Đây được xem là nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nhat-ban-manh-tay-voi-han-quoc-20190709225542572.htm