Nhật Bản muốn chế tạo chiến cơ thế hệ mới
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tìm cách chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới, song họ đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về công nghệ và chi phí.
Lưỡng lự trong lựa chọn đối tác
Ngày 1/4, Cơ quan Hậu cần Kỹ thuật Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập nhóm công tác nhằm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ mới để thay thế cho máy bay chiến đấu F-2. Nhóm này do một thiếu tướng của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) lãnh đạo và bao gồm khoảng 30 sỹ quan ASDF, các quan chức kỹ thuật và một số nhân viên khác.
Nhật Bản mong muốn máy bay chiến đấu thế hệ mới có khả năng kết nối mạng trên đất liền, trên không, trên biển, có cảm biến tàng hình tiên tiến, năng lực tác chiến điện tử và khả năng mang tên lửa tương đương hoặc nhiều hơn so với máy bay chiến đấu tàng hình F-35, đồng thời có thể tham gia vào các sứ mệnh chung với quân đội Mỹ. Chính phủ Nhật Bản đã dành 11,1 tỷ Yên trong tài khóa 2020 cho kế hoạch này.
Rõ ràng, dù đang có những động thái muốn tự lực trong kế hoạch này, song Tokyo vẫn tỏ ra lưỡng lự trong việc hợp tác với Mỹ hay Anh. Tháng 8/2018, tờ The Diplomat nói rằng Nhật Bản đang xem xét hợp tác với Vương quốc Anh để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới. Đầu tháng 3/2020, Nikkei Asian Review xác nhận rằng Vương quốc Anh không được chọn vì Mỹ được ưu tiên hơn.
Nhưng vào đầu tháng 4/2020, The Diplomat nói rằng Nhật Bản đã từ chối chọn hãng Lockheed Martin vào cuối tháng 3, điều này có thể gợi ý rằng Mỹ cũng đã bị loại ra. Thông báo này dẫn đến việc tạp chí Military Watch đăng bài có tựa đề "Nhật Bản nói không với các thiết kế của Mỹ và Anh: Sẽ tự mình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới", tạp chí cũng nhận định rằng Nhật Bản đang hoàn toàn đơn độc, có lẽ một phần do áp lực từ Trung Quốc.
Nhưng sau đó, vào ngày 18/4, Sankei News nói rằng chính phủ Nhật Bản muốn thành lập một nhóm gồm các công ty Mỹ và Nhật Bản cho dự án này, xác nhận rằng Mỹ được lựa chọn. Trước mục tiêu bắt đầu triển khai vào năm 2035, Nhật Bản dự định sẽ xây dựng một khuôn khổ cho việc hợp tác kỹ thuật và phát triển chung với Mỹ vào cuối năm nay.
Theo Overt Defense, Vương quốc Anh đã bị loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu vì Nhật Bản lo ngại rằng một dự án máy bay chiến đấu do Anh dẫn đầu có thể không có nhiều đối tác, làm chậm phát triển và tăng chi phí. Nhật Bản cũng có thể nghi ngờ máy bay chiến đấu của Anh có thực sự là đa năng hay không, khi vũ khí của Anh được tích hợp vào chiến đấu cơ Typhoon do châu Âu hợp tác phát triển một cách chậm chạp.
"Tự chủ" một phần
Do Bộ Quốc phòng ưu tiên hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới với Mỹ nên vẫn chưa biết rõ liệu Nhật Bản có thể kiểm soát quá trình phát triển máy bay chiến đấu này hay không. Tuy nhiên, nếu Nhật Bản nắm quyền kiểm soát, nước này có thể tiến hành nâng cấp và duy tu theo ý họ.
Trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu F-2 trước đây, Nhật Bản không có công nghệ cần thiết để chế tạo động cơ và các bộ phận chủ chốt khác, và phải cho phép Mỹ nắm quyền kiểm soát. Bên cạnh đó, mâu thuẫn thương mại song phương cũng đã giúp Mỹ nắm quyền kiểm soát nhiều hơn. Điều này dẫn đến thực tế rằng Nhật Bản đã gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cấp và duy tu các máy bay chiến đấu F-2 bởi vì nước này không thể lấy các thông tin thiết kế tuyệt mật từ Mỹ.
Rút kinh nghiệm từ việc phát triển máy bay chiến đấu F-2, lần này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đặt mục tiêu tự sản xuất các bộ phận chủ chốt ở trong nước, bao gồm các hệ thống thiết yếu, động cơ và radar cho máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Mỹ đề xuất chế tạo phiên bản lai giữa máy bay chiến đấu tiên tiến F-22 và máy bay chiến đấu tàng hình F-35, nhưng Nhật Bản đã bác bỏ đề xuất này. Một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định: "Chúng tôi sẽ không phải là nhà thầu phụ của Mỹ". Tuy vậy, khi "tự lực" một phần, ngoài vấn đề công nghệ, chi phí chế tạo ước tính vượt ngưỡng 20 tỷ yen/chiếc sẽ là một thách thức lớn khác đối với Tokyo. Việc chế tạo ở trong nước sẽ giúp Nhật Bản duy trì nền tảng công nghệ cho ngành công nghiệp trong nước nhưng chi phí chắc chắn sẽ tăng.
Nhật Bản và Mỹ sẽ thiết lập một ủy ban đối tác công-tư chung để vạch kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới. Tuy nhiên, có vẻ như Nhật Bản không muốn điều đó. Công nghệ Mỹ chỉ là lựa chọn cho một số bộ phận của máy bay chiến đấu mới, trong đó có hệ thống Kết nối Thông tin Kỹ thuật số Chiến thuật, vốn được sử dụng để chia sẻ thông tin về máy bay chiến đấu của kẻ địch mà radar phát hiện.
Tokyo cũng không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Washington trong kế hoạch này là bởi quan điểm ngày càng cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới việc sử dụng vũ khí Mỹ trong quá trình đàm phán giữa hai nước về chi phí đồn trú của các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.
Washington từng muốn Tokyo tăng các khoản thanh toán hàng năm cho 54.000 binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản lên mức 8 tỷ USD, so với mức 2 tỷ USD như hiện nay. Mức thanh toán hiện thời sẽ hết hạn vào tháng 3/2021.
Tuy vậy, phía Nhật Bản thì cho rằng, đang chia sẻ chi phí đồn trú của các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản một cách thích hợp dựa trên thỏa thuận song phương hiện hành. Nhiều đồng minh của Mỹ cũng đang chịu sức ép tăng cường chi phí quân sự từ phía Washington.
Trước đó, ông Trump từng yêu cầu Hàn Quốc tăng cường chi phí duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này nhằm răn đe đối với CHDCND Triều Tiên.