Nhật Bản muốn đồng hành với Việt Nam trong 'kỷ nguyên vươn mình'
Sau khi nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, về cả bề rộng và chiều sâu. Với những định hướng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra, Nhật Bản mong muốn tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong 'kỷ nguyên vươn mình'.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết như vậy trong cuộc gặp báo chí ngày 26/11, nhân dịp tròn 1 năm Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Đại sứ cho biết, trong 1 năm qua, hai nước đều có thay đổi về lãnh đạo chủ chốt, nhưng các hoạt động đối thoại và giao lưu cấp cao vẫn được mở rộng và làm sâu sắc hơn trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh, phát triển nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân…
Điểm lại những kết quả cụ thể trong 1 năm qua, Đại sứ Ito Naoki cho biết công ty Tokuyama đã thành lập công ty con ở Việt Nam vào tháng 8 năm nay để sản xuất linh kiện bán dẫn; hãng Rorze mở nhà máy mới tại Hải Phòng vào tháng 10; một công ty của Nhật thành lập nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng ở tỉnh Thái Bình vào tháng 3.
Đại sứ cho biết sự tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam khiến các doanh nghiệp Nhật trong mảng bán lẻ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong năm qua, Aeonmall mở trung tâm thương mại mới ở Huế; Uniqlo mở cửa hàng mới ở TPHCM. Đến nay Aeonmall đã có 7 trung tâm thương mại ở Việt Nam, còn Uniqlo có tổng số 23 cửa hàng.
Đại sứ Ito Naoki cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế, hệ thống luật và quy định để đẩy nhanh thủ tục hành chính và cấp phép, từ đó cải thiện hiệu quả các dự án hợp tác giữa hai bên.
Trong lĩnh vực giao thông, tuyến đường sắt đô thị số 1 của TPHCM được xây dựng bằng nguồn vốn của JICA bắt đầu vận hành thử nghiệm từ tháng 10. Khi vận hành chính thức, tuyến đường này sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân thành phố và trở thành một biểu tượng nữa cho sự hợp tác giữa hai nước.
Về chuyển đối số, trong năm nay Nhật Bản đã cung cấp thiết bị giúp Việt Nam nâng cấp hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trị giá 500 triệu yen, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tháng 9 năm nay, khi bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh thành miền Bắc Việt Nam, Nhật Bản đã có những hỗ trợ cụ thể cho Việt Nam, với tổng số tiền khoảng 2,4 triệu USD.
Ngoài những hỗ trợ khẩn cấp, Nhật Bản đang cùng các bộ, ngành Việt Nam chuẩn bị cho việc cung cấp vốn vay để cải thiện hạ tầng cho các tỉnh phía Bắc, để giúp Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Đại sứ Ito Naoki nhấn mạnh, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản là vì hòa bình, thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới.
Ngoài các lĩnh vực truyền thống, hai bên cũng đang tăng cường hợp tác an ninh, trong đó có an ninh trên biển. Trong năm nay, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản lần đầu cung cấp công nghệ chống ăn mòn và xe vận chuyển vật tư cho Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản đang thực hiện cam kết cung cấp 6 tàu tuần tra trên biển cho Cảnh sát biển Việt Nam. Ngoài ra Nhật Bản còn xây dựng khung hợp tác trong lĩnh vực an ninh (OSA) cho hợp tác trong lĩnh vực. Hai bên đang chuẩn bị để triển khai hợp tác trong khuôn khổ này trong thời gian tới.
“Với những định hướng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra, Nhật Bản mong muốn tiếp tục đồng hành hợp tác với Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ, để cùng tăng cường hợp tác có lợi cho cả hai bên”, Đại sứ nói.
“Với 3 lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam xác định sẽ tập trung trong thời gian tới là hạ tầng giao thông (bao gồm đường sắt tốc độ cao), năng lượng và chuyển đổi số, Nhật Bản sẵn sàng đồng hành với Việt Nam để tạo nên những thành quả hợp tác cụ thể”, Đại sứ Ito Naoki cho biết.
Quan tâm hơn đến lao động Việt
Nhật Bản vẫn là nước đứng đầu danh sách mà người Việt mong muốn đến làm việc nhất. Hiện có khoảng 600.000 người Việt đang học tập và làm việc ở Nhật Bản.
Năm nay, Nhật Bản đã bắt đầu tổ chức các kỳ thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong 5 lĩnh vực là chăm sóc điều dưỡng, nông nghiệp, bảo dưỡng ô tô, dịch vụ lưu trú, xây dựng. Ngoài ra, các kỳ thi về 2 lĩnh vực mới là phục vụ ăn uống và sản xuất thực phẩm và đồ uống dự kiến sẽ được tổ chức.
Hiện tại số lượng thực tập sinh kỹ năng đặc định người Việt chiếm một nửa lao động nước ngoài ở Nhật, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản. Đại sứ Ito Naoki cho biết, Nhật Bản mong muốn tạo ra môi trường tốt hơn để người lao động Việt Nam ở Nhật Bản không chỉ làm việc mà thực sự sống có cuộc sống hạnh phúc.
"Chính phủ Nhật Bản gần đây đề ra quy định mới, cho phép các lao động người Việt bị quấy rối, lạm dụng, được chuyển sang doanh nghiệp khác. Người Việt khi sang Nhật làm việc lâu nay phải trả khoản phí khá cao, quy định mới cũng sẽ giúp họ giảm bớt phí phải trả cho bên trung gian, bằng cách quy định mức mà doanh nghiệp ở Nhật Bản phải hỗ trợ"
Đại sứ Ito Naoki
Các lao động Việt Nam sang Nhật làm việc thường ở trong ký túc xá. Ở một số ký túc xá hiện nay đã có quản lý người Nhật để quan tâm cụ thể để các lao động Việt Nam và hỗ trợ họ liên tục, từ đó có thể giúp họ cảm thấy thoải mái hơn. Đại sứ Ito Naoki bày tỏ hy vọng rằng những cách làm như vậy sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Về đào tạo nguồn nhân lực, Đại sứ Ito cho biết Nhật Bản đang chú trọng đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong các lĩnh vực bán dẫn, điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao, và phương pháp sản xuất. Trong mảng bán dẫn, Nhật Bản đang xem xét định hướng hợp tác liên kết các trường đại học Việt Nam với Nhật Bản để đào tạo nguồn nhân lực.
Một trong những dự án biểu trưng cho hợp tác giữa hai nước là Đại học Việt – Nhật. Trong thời gian tới, ngoài các chuyên ngành sẵn có, trường đang chuẩn bị mở ngành đào tạo về bán dẫn cho các sinh viên Việt Nam.
Về nhân lực cho ngành điện hạt nhân, Đại sứ Ito cho biết dù dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng từ năm 2016, nhưng Nhật Bản từ đó vẫn tiếp tục đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực này. Sau khi Quốc hội Việt Nam quyết định tái khởi động dự án điện hạt nhân, Nhật mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam.
Về nguồn nhân lực phát triển đường sắt tốc độ cao, Theo Đại sứ Ito Naoki, Nhật Bản có kinh nghiệm xây dựng đường sắt tốc độ cao từ hơn 60 năm trước và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, nhưng trước tiên cần phải biết nhu cầu và đề xuất cụ thể của Việt Nam như thế nào.