Mùa hoa anh đào vừa qua, lại đến thời điểm hoa tử đằng nở rộ khắp đảo Kyushu, đặc biệt là tỉnh Fukuoka - một trong những nơi trồng nhiều hoa tử đằng nhất đất nước mặt trời mọc. Trong đó, cây tử đằng hơn 300 tuổi, tên là Nakayama no Ofuji, được trồng trong đền Kumano, thành phố Yanagawa, là điểm đến nổi tiếng. Mỗi năm, cây thu hút hàng nghìn lượt du khách thưởng hoa vào mùa Xuân. (Ảnh: Instagram mihomiho1006)
Hiện là lễ hội hoa tử đằng lần thứ 18 tại Fukuoka, sẽ kết thúc vào đầu tháng 5. Và cây tử đằng này đã nở rộ từ giữa tháng 4, dự kiến kéo dài tới cuối tháng rồi tàn. Tán cây vươn rộng, được chống đỡ bởi một giàn sắt có diện tích khoảng 1.700 m2 rợp bóng mát. (Ảnh: Instagram yoshi19860227)
Những đoạn giàn uốn hình vòng cung biến khung cảnh như đường hầm cổ tích. Nhánh hoa rũ xuống, có nhánh dài hơn một mét tạo thành một tấm rèm hoa như tranh. Nhiều người nhận xét cây hoa này mang một 'vẻ đẹp điên rồ', khó có thể tin được. (Ảnh: Instagram shiotama.photo)
Hoa tử đằng màu tím, trắng, hồng và được yêu thích nhờ hương thơm ngọt ngào, màu sắc đẹp mơ màng. Cây tử đằng 300 năm tuổi này cũng đã được công nhận là Di tích Tự nhiên Quốc gia của Nhật Bản. (Ảnh: Instagram mihomiho1006)
Trong khuôn khổ lễ hội hoa, ban ngày du khách ngắm những bông hoa màu tím xếp tầng, trải dài và dạo quanh các quầy bán hàng hóa địa phương, thức ăn vặt. Sau đó, du khách chiêm ngưỡng một khung cảnh khác vào ban đêm, khi giàn hoa lên đèn lung linh, tới 22h mỗi ngày. (Ảnh: Instagram mai_7100)
Hoa tử đằng được người Nhật tôn sùng từ thời Nara (710-794 sau Công nguyên), thường được nhắc đến trong thơ cổ. Loài cây này có thể phát triển trong điều kiện khắc nghiệt, sống hàng trăm năm và trổ bông vào mùa Xuân. Hoa, rễ của một số loài tử đằng có thể ăn được và vỏ cây chứa dược tính. (Ảnh: Instagram shiori__4011)
(theo Ngôi sao)
Diệp Tử