Nhật Bản nguy cơ thiếu điện trầm trọng vào mùa Đông tới
Theo Hãng tin Nikkei Asia, Nhật Bản có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện vào mùa Đông 2022 - 2023, và dự báo khoảng 1,1 triệu hộ gia đình sẽ rơi vào cảnh mất điện.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo gần đây nhất, giá dầu giao sau được giao dịch ở mức 86 yen/lít (tương đương 0,66 USD/lít), mức cao nhất kể từ tháng 7.2008. Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, chỉ số giá bán buôn trong tháng 4 vừa qua tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1981 do giá năng lượng và nguyên liệu thô tiếp tục tăng trong bối cảnh giá đồng yen giảm, cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn.
Hệ số an toàn cần đạt 3% để bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho vùng đô thị, trong đó có Tokyo và các tỉnh lân cận. Trong khi đó, theo dự báo hệ số này có thể xuống âm 0,6% trong trường hợp mùa Đông lạnh giá. Do đó, vùng đô thị có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu điện ngay từ mùa Hè này. Theo Nikkei, Chính phủ Nhật Bản lo ngại nguy cơ người dân thiếu điện trong mùa Đông sắp tới và dự kiến tình trạng này sẽ là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2012 khi các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản dừng hoạt động do sự cố hạt nhân Fukushima sau trận động đất và sóng thần năm 2011.
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Chính phủ Nhật Bản có thể yêu cầu các công ty năng lượng khởi động lại các nhà máy nhiệt điện cũ đã đóng cửa do hết thời gian vận hành, cũng như khởi động lại nhiều nhà máy điện hạt nhân. Các công ty năng lượng trong nước cũng có thể được chỉ thị đưa ra cảnh báo sớm cho người dân về nguy cơ gián đoạn việc cung cấp điện. Trước đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuyên bố, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc họp nhằm thảo luận về giá năng lượng tăng cao cũng như sức ép của thực trạng này đối với hệ thống cung cấp của đất nước, đây sẽ là cuộc họp đầu tiên về vấn đề này trong 5 năm qua.
Ở một diễn biến khác, tình trạng thiếu hụt dầu thô tại châu Âu đã khả quan hơn sau khi Mỹ cấp phép cho một số công ty dầu khí hoạt động tại Venezuela, các tập đoàn Eni của Italy và Repsol của Tây Ban Nha sẽ bắt đầu vận chuyển dầu của quốc gia Nam Mỹ này tới châu Âu trong tháng sau, nối lại các giao dịch đổi dầu lấy nợ đã bị tạm dừng hai năm. Hai công ty nói trên đều có liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA), do đó có thể tính các lô hàng dầu thô vào các khoản nợ tồn đọng và nợ cổ tức trễ hạn. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện chính là lượng dầu nhận được phải được chuyển đến châu Âu và không được bán lại ở nơi khác. Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng rằng, dầu thô của Venezuela có thể giúp châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga và chuyển hướng một số hàng hóa mà Venezuela xuất sang Trung Quốc ra các nước khác.