Nhật Bản: Nội các mới và thông điệp từ tân Thủ tướng Kishida Fumio
Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố nội các mới, trao cơ hội cho các nhân tố trẻ như đã cam kết. Bên cạnh các vấn đề liên quan tới dịch Covid-19, thử thách của ông Kishida còn nằm ở cuộc bầu cử vào tháng sau.
Ngày 4/10, hai viện của Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Kishida Fumio, tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm Thủ tướng thứ 100 ở nước này.
Ông Kishida Fumio, 64 tuổi, nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và thành lập nội các mới với nhiệm vụ chính trước mắt là kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Tân Thủ tướng cũng cần thu hút các cử tri trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới.
Về đối ngoại, ông Kishida sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về cách hành xử quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và việc Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa gần đây.
Nội các mới như cam kết
Ông Kishida đã hoàn thành việc bổ nhiệm các vị trí trong nội các vào tối 3/10, trong đó quyết định giữ nguyên vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi.
Việc tái bổ nhiệm các vị trí trên gửi đi một thông điệp rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì các chính sách đối ngoại và quốc phòng như trước đây trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Ông Takayuki Kobayashi, một hạ nghị sĩ nhiệm kỳ thứ ba, người đang dẫn dắt các cuộc tranh luận chính sách trong nội bộ LDP sẽ đảm nhận chức vụ Bộ trưởng An ninh Kinh tế.
Ông Kobayashi có quan hệ thân thiết với ông Akira Amari, người từng được đề cử để trở thành Tổng thư ký LDP. Ông Amari phát biểu trên truyền hình hôm 3/10 rằng, Bộ trưởng An ninh Kinh tế "có thể đưa ra chỉ thị cho tất cả các bộ và các cơ quan". Việc bổ nhiệm ông Kobayashi vào vị trí này sẽ giúp nội các có thể phối hợp chẽ với LDP về chính sách đối với Trung Quốc.
Người phụ trách việc đối phó với đại dịch với tư cách là Bộ trưởng Bộ Chính sách Kinh tế và Tài khóa là ông Daishiro Yamagiwa. Bà Noriko Horiuchi sẽ phụ trách chương trình tiêm chủng Covid-19. Đây là lần đầu tiên hai quan chức này được bổ nhiệm vào nội các.
Chức vụ Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp sẽ do Bộ trưởng Giáo dục hiện nay Koichi Hagiuda đảm nhận. Ông Hagiuda, một thành viên của phe Hosoda trong đảng LDP, là người khá thân cận với cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Ông Shigeyuki Goto sẽ là Bộ trưởng Y tế và Lao động, là vị trí đầu tiên ông đảm nhận trong nội các Nhật Bản. Ông Shunichi Suzuki giữ vị trí Bộ trưởng Tài chính.
Trong số những người được bổ nhiệm vào nội các mới lần này, có 13 người được bổ nhiệm làm bộ trưởng lần đầu, chiếm 65% nội các.
Trong nội các trước đây của cựu Thủ tướng Suga, số bộ trưởng được bổ nhiệm lần đầu tiên là 5 và con số này trong nội các của cựu Thủ tướng Abe là 10. Điều này phản ánh cam kết của ông Kishida trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP vừa qua là sử dụng những tài năng trẻ của đảng.
Thách thức lớn nhất là giành được sự ủng hộ
Với khoảng 60% dân số Nhật Bản đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine Covid-19 và số các ca mắc Covid-19 đang giảm, nhiệm vụ trước mắt của ông Kishida sẽ là ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới, đồng thời dần dỡ bỏ các hạn chế đối với các hoạt động xã hội, kinh doanh và mở cửa lại biên giới cho du khách nước ngoài.
Bên cạnh tuyên bố sẽ triển khai một gói kinh tế trị giá hàng chục nghìn tỷ Yen để đối phó với đại dịch, ông Kishida cũng hứa sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo bằng cách điều chỉnh chính sách kinh tế Abenomics- chính sách đã giúp nâng cao thu nhập của doanh nghiệp và giá cổ phiếu nhưng hầu như không giúp ích gì trong việc thúc đẩy tăng tiền lương.
Giống như những người tiền nhiệm là ông Suga và ông Abe, ông Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và dự kiến tiếp tục hợp tác với Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác như Australia và Ấn Độ để đối phó với các động thái khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Là người ôn hòa, xuất thân từ một gia đình làm chính trị ở Hiroshima, ông Kishida cam kết sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới, đồng thời cho rằng Nhật Bản nên cân nhắc việc trao cho Lực lượng Phòng vệ khả năng tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ của kẻ thù.
Không rõ sẽ có bao nhiêu thay đổi xã hội diễn ra dưới thời ông Kishida làm Thủ tướng, song ông đã kêu gọi tranh luận thêm về việc có nên cho phép các cặp vợ chồng sau khi kết hôn được mang họ riêng hay không và vẫn chưa quyết định liệu hôn nhân đồng giới có nên được hợp pháp hóa tại Nhật Bản.
Nội các của ông Suga sẽ từ chức ngay lập tức vào sáng 5/10, chưa đầy 1 năm sau khi thành lập. Việc nhiều lần ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 và khả năng tuyên truyền chính sách kém đã khiến tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với nội các suy giảm. Thế vận hội Tokyo vừa qua cũng không giúp cứu vãn tình hình.
Thử thách lớn đầu tiên của ông Kishida sau khi nhậm chức sẽ là cuộc bầu cử sắp tới, trong đó ông cần phải nỗ lực để khuấy động các cử tri nhằm giành được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Ông Kishida có kế hoạch tổ chức bầu cử Hạ viện vào ngày 31/10 tới.
Các nhà phân tích chính trị cho biết, mặc dù LDP và đối tác liên minh của đảng này là Komeito không có khả năng bị mất đa số tại Hạ viện, song các lực lượng đối lập, trong đó có Đảng Dân chủ Lập hiến có thể giành một số ghế bằng cách tập hợp các ứng cử viên.
Ông Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và dự kiến tiếp tục hợp tác với Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác như Australia và Ấn Độ để đối phó với các động thái khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.