Nhật Bản nới lỏng các quy định về thị thực cho du học sinh: Giải quyết bài toán thiếu nhân lực
Nhật Bản đã quyết định nới lỏng các quy định về thị thực, mở rộng cơ hội cho sinh viên nước ngoài ở lại làm việc tại đất nước Mặt trời mọc.
Giải pháp này không chỉ tạo điều kiện cho du học sinh, thúc đẩy sự phát triển và hợp tác giữa Nhật Bản và các quốc gia khác trong lĩnh vực giáo dục, lao động, mà còn nhằm đáp lại lời kêu gọi từ giới doanh nghiệp về việc giải quyết “bài toán” thiếu nhân lực.
Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản cho biết, Chính phủ nước này sẽ cho phép sinh viên đã hoàn thành chương trình học tại các trường dạy nghề kỹ thuật do Nhà nước chỉ định làm việc trong các lĩnh vực không nhất thiết liên quan chặt chẽ đến chuyên ngành họ học. Theo hướng dẫn mới, cơ quan này sẽ “đánh giá linh hoạt” mức độ phù hợp của sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề được Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ phê duyệt để đáp ứng một số điều kiện nhất định. Chẳng hạn như cung cấp hơn 300 giờ học nhằm giúp sinh viên nâng cao hiểu biết về Nhật Bản. Việc thay đổi chính sách này dự kiến sẽ tăng số lượng sinh viên nước ngoài chọn ở lại và làm việc tại Nhật Bản hằng năm lên khoảng 3.000 người.
Những sửa đổi quy định này tuân theo các khuyến nghị của Hội đồng Chính phủ vào tháng 4 năm ngoái, ủng hộ các con đường đơn giản hóa để sinh viên nước ngoài làm việc tại Nhật Bản. Một quan chức của Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng những sinh viên sở hữu các kỹ năng chuyên môn và hiểu biết sâu sắc về Nhật Bản sẽ đóng góp cho lực lượng lao động trong nước”.
Với dân số ngày càng giảm, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang trở nên nghiêm túc hơn trong xây dựng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài - từ những người làm trong ngành sản xuất và dịch vụ đến những người có kiến thức về các công nghệ mới nổi. Nhật Bản đang nới lỏng các hạn chế và tiếp nhận số lượng người di cư kỷ lục, chủ yếu đến từ các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Dân số nước này hiện khoảng 124 triệu người, dự kiến sẽ giảm 30% vào năm 2070, theo ước tính mới nhất của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác nhau - từ tốc độ tăng lương chậm chạp, văn hóa doanh nghiệp cũ đến các chương trình thị thực mới của các nước châu Á và mức lương ngày càng tăng ở các nền kinh tế mới nổi, đặt ra thách thức cho những nỗ lực của Nhật Bản, che mờ triển vọng của nước này trong thời đại cạnh tranh nhân tài toàn cầu. Theo một thống kê, số lượng nhân công nước ngoài có tay nghề cao ở Nhật Bản thấp hơn nhiều so với Anh và Mỹ. Nhóm này chỉ chiếm khoảng 1% trong số những chuyên gia, người có công việc đòi hỏi kỹ năng cao, thấp hơn nhiều so với 23% ở Anh và 16% ở Mỹ. Trước thực trạng này, Nhật Bản đang mở rộng các chương trình tuyển dụng lao động có tay nghề cao, những người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp mới nổi và thúc đẩy nền kinh tế.
Nhật Bản cũng đang triển khai các biện pháp thu hút nhân tài hàng đầu thế giới. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, nước này sẽ “tạo ra một hệ thống đẳng cấp thế giới để tiếp nhận lao động có tay nghề cao”. Chính phủ Nhật Bản lưu ý trong kế hoạch sửa đổi các chính sách: “Khi quá trình toàn cầu hóa và số hóa diễn ra, nhu cầu về lao động có tay nghề cao ngày càng tăng trên toàn thế giới và sự cạnh tranh về nhân tài giữa các quốc gia ngày càng gay gắt”.
Từ tháng 4-2023, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các chương trình mới để tiếp nhận những lao động nước ngoài được trả lương cao. Nếu được trả hơn 20 triệu yên (144.000 USD) mỗi năm và đáp ứng một số tiêu chí khác, những trường hợp này có thể nộp đơn xin thường trú sau khi ở lại một năm. Một động thái khác là cho phép sinh viên tốt nghiệp từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới ở lại trong hai năm. Việc cấp thị thực cho sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm cho thấy sự hào hứng của đất nước Mặt trời mọc trong việc thu hút nhân tài trẻ.
Các chính sách nới lỏng thị thực rõ ràng đang thúc đẩy số người nước ngoài tại Nhật Bản tăng lên. Từ sinh viên quốc tế và thực tập sinh kỹ thuật đến những người lao động có chuyên môn và tay nghề cao, con số này đã đạt 3,2 triệu vào năm 2023. Chính sách thị thực mới dành cho du học sinh vừa được Chính phủ ban hành sẽ giúp Nhật Bản đối phó với tình trạng thiếu lao động cũng như cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của quốc gia này.