Nhật Bản: Ông Shigeru Ishiba quyết bám trụ

Kết quả cuộc bầu cử ngày 20/7 đang gây áp lực lên chính phủ thiểu số của Thủ tướng Shigeru Ishiba giữa lúc đàm phán thỏa thuận thuế quan với Mỹ. Thủ tướng Ishiba tuyên bố sẽ tiếp tục tại vị dù liên minh của ông vừa mất thế đa số tại Thượng viện.

Tuy cuộc bỏ phiếu không trực tiếp quyết định liệu chính phủ thiểu số của ông Ishiba có sụp đổ hay không, nhưng nó gây áp lực đối với ông, vốn cũng đang gặp khó khăn sau khi đã mất quyền kiểm soát Hạ viện đầy quyền lực vào tháng 10/2024 và chưa bao giờ có được sự đồng thuận tuyệt đối trong chính đảng của mình.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba gặp bất lợi sau cuộc bầu cử.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba gặp bất lợi sau cuộc bầu cử.

Ông Ishiba phát biểu tại một cuộc họp báo rằng ông sẽ tiếp tục tại vị để giám sát các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ và các vấn đề cấp bách khác như giá tiêu dùng tăng cao đang gây áp lực lên nền kinh tế Nhật Bản.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông và đối tác liên minh Komeito cần 50 ghế để đảm bảo Thượng viện gồm 248 ghế trong một cuộc bầu cử mà một nửa số ghế còn lại sẽ được tranh cử, nhưng tính đến sáng ngày 21/7, liên minh này mới chỉ giành được 47 ghế, với một ghế chưa được công bố. Phát biểu trước đó với kênh truyền hình NHK, ông Ishiba cho biết ông chấp nhận kết quả khắc nghiệt của cuộc bầu cử. Khi được hỏi liệu ông có ý định tiếp tục giữ chức thủ tướng và lãnh đạo đảng hay không, ông trả lời: "Đúng vậy. Đây là một tình huống khó khăn và chúng ta phải xem xét vấn đề này một cách rất khiêm tốn và nghiêm túc".

Nhưng, kết quả này cũng làm suy yếu lập trường của ông Ishiba chỉ vài ngày trước khi đất nước Nhật Bản bước vào vòng đàm phán quyết định một thỏa thuận với chính quyền của ông Trump để tránh việc áp đặt thuế quan trừng phạt tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Nhật Bản đang đối mặt với hạn chót là ngày 1/8 để đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Ông Ishiba sau đó nói với TV Tokyo: "Chúng tôi đang tham gia vào các cuộc đàm phán thuế quan cực kỳ quan trọng với Mỹ... chúng ta không bao giờ được phép phá hỏng các cuộc đàm phán này. Việc chúng ta dành toàn bộ sự cống hiến và năng lượng để hiện thực hóa lợi ích quốc gia là điều hoàn toàn tự nhiên".

Hàng nhập khẩu từ Nhật Bản hiện đang phải chịu mức thuế 10%, trong khi ngành công nghiệp ô tô đang chao đảo vì mức thuế 25%. Dữ liệu xuất khẩu yếu kém vào đầu tháng 7 cho thấy lượng ô tô giao đến Mỹ giảm mạnh, đã làm dấy lên lo ngại rằng Nhật Bản có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Đảng Dân chủ Lập hiến trung tả, đảng đối lập chính, hiện có tổng cộng 37 ghế, trong khi đảng Dân chủ vì nhân dân trung hữu hiện có 22 ghế. Đảng cực hữu Sanseito có bước tiến mạnh nhất, giành được 14 ghế so với chỉ 1 ghế nhiệm kỳ trước, mang lại cho đảng này sự hiện diện đáng kể tại Thượng viện.

Ra đời trên YouTube bởi streamer Kazuya Kyoumoto, chính trị gia Sohei Kamiya và nhà phân tích chính trị Yuuya Watase vào năm 2019, đảng Sanseito đã nổi lên trong đại dịch COVID-19 khi lan truyền các thuyết âm mưu và luận điệu cực hữu. Tại cuộc bầu cử năm nay, đảng này đã gây bất ngờ với chiến dịch "Nhật Bản trên hết" và những cảnh báo về tình trạng người nước ngoài xuất hiện tràn ngập ở Nhật Bản. Sanseito đã thu hút một bộ phận đáng kể dân chúng đang thất vọng, những người cảm thấy bị các đảng phái chính thống bỏ rơi và hiếm khi đi bỏ phiếu. Còn phải xem liệu đảng này có thể đi theo con đường của các đảng cực hữu khác mà nó đã được so sánh, chẳng hạn như AfD của Đức và Reform UK hay không.

LDP đã kêu gọi kiềm chế tài khóa, đồng thời chú ý đến thị trường trái phiếu chính phủ đang rất bất ổn, khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng tái cấp vốn cho khối nợ lớn nhất thế giới của Nhật Bản.

Lạm phát là một vấn đề nan giải đối với ông Ishiba, khi giá gạo - vốn đã tăng gấp đôi kể từ năm ngoái do mùa màng thất bát và các chính sách của chính phủ - trở thành một yếu tố gây bất mãn cho cử tri. Để ứng phó, các đảng đối lập đã hứa sẽ cắt giảm thuế và chi tiêu phúc lợi để giảm bớt tác động của tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài tại Nhật Bản. Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu cho thấy các đảng đối lập ủng hộ việc cắt giảm thuế và chi tiêu phúc lợi đã gây được sự đồng thuận trong cử tri, khi giá tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là giá gạo tăng vọt.

Trong khi người dân địa phương đang phải đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đồng yên yếu của đất nước đã thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài. Những lo ngại về tình trạng du lịch quá mức và sự thiếu tôn trọng phong tục địa phương đã làm dấy lên sự bất bình trong dân chúng, và điều này đã được đảng dân túy mới nổi Sanseito lợi dụng. Ông Kamiya, lãnh đạo 47 tuổi của đảng Sanseito cho biết đảng này đang buộc chính phủ phải giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về người nước ngoài tại Nhật Bản.

David Boling - Giám đốc phụ trách thương mại Nhật Bản và châu Á tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho biết ông tin rằng ông Ishiba có thể bị buộc phải rời khỏi chức vụ. Nhưng, một động thái như vậy sẽ gây ra bất ổn chính trị vào thời điểm Nhật Bản đang ráo riết tìm cách hoãn lại đề xuất áp thuế 25% của Mỹ trước hạn chót ngày 1/8 mà Tổng thống Mỹ đã đề ra.

Để minh họa cho tính cấp bách của vấn đề, cuối tuần trước, ông Ishiba đã tạm dừng chiến dịch vận động để thúc giục trưởng đoàn đàm phán thuế quan của Washington kiêm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tiếp tục đàm phán với trưởng đoàn đàm phán thuế quan của Nhật Bản Ryosei Akazawa. Sau cuộc gặp với ông Ishiba, ông Bessent cho biết "một thỏa thuận tốt quan trọng hơn một thỏa thuận vội vã”.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/nhat-ban-ong-shigeru-ishiba-quyet-bam-tru-i776265/