Nhật Bản phá quy tắc không viện trợ quân sự cho nước ngoài
Ngày 5/4, Nhật Bản cho biết sẽ hỗ trợ tài chính cho các quốc gia khác để giúp họ tăng cường năng lực phòng thủ, đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản phá bỏ quy tắc lâu nay về cấm dùng tiền viện trợ quốc tế cho mục đích quân sự.

Tàu chiến Mogami của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản. (Ảnh: Japan Times)
Chương trình Hỗ trợ An ninh nước ngoài (OSA) sẽ được quản lý riêng biệt với chương trình Hỗ trợ Phát triển nước ngoài (ODA). Chương trình ODA chỉ được sử dụng để hỗ trợ xây dựng hạ tầng dân sự, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ.
“Với việc tăng cường năng lực an ninh và răn đe của các nước đối tác, OSA sẽ làm sâu sắc hợp tác an ninh của chúng ta với họ, tạo nên môi trường an ninh như mong muốn đối với Nhật Bản”, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang triển khai những nỗ lực tăng cường sức mạnh quân đội đáng kể nhất kể từ sau Thế chiến 2.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, các khoản viện trợ theo chương trình mới sẽ không được sử dụng để mua vũ khí sát thương dùng trong xung đột với nước khác, tuân thủ 3 nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí.
Các dự án cụ thể dự kiến sẽ bao gồm hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và radio dùng cho giám sát trên biển. Công việc chuẩn bị đang được tiến hành để cung cấp gói hỗ trợ đầu tiên trong năm tài khóa này. Những quốc gia tiếp nhận đầu tiên có thể là Philippines, Malaysia, Bangladesh, hoặc Fiji.
Tokyo đang cân nhắc cung cấp radar cho Philippines để giúp nước này giám sát các hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp, báo Yomiuri đưa tin đầu tuần này.
Theo nguyên tắc, chỉ các nước đang phát triển mới đủ điều kiện nhận viện trợ theo chương trình mới.
Thủ tướng Fumio Kishida gần đây thông báo sẽ đầu tư 75 tỷ USD ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Nam Á và Đông Nam Á.