Nhật Bản-Philippines sẽ sớm hoàn tất đàm phán về Thỏa thuận tiếp cận đối ứng
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 17/12 nhất trí hợp tác để sớm hoàn tất các cuộc đàm phán về Thỏa thuận tiếp cận đối ứng và tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển ở Biển Đông.
Thỏa thuận tiếp cận đối ứng, cho phép Nhật Bản và Philippines triển khai lực lượng tới lãnh thổ của nhau để tập trận và huấn luyện chung, đã được thảo luận trong cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Marcos nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận, không chỉ tăng cường an ninh để duy trì hòa bình ở Biển Đông, mà còn thúc đẩy khả năng phối hợp trong việc đối phó và giảm nhẹ thiên tai. Trong khi đó, Thủ tướng Kishida đảm bảo rằng Nhật Bản sẽ cung cấp hệ thống radar ven biển thông qua hỗ trợ an ninh chính thức. Nhật Bản cũng mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác xây dựng năng lực an toàn hàng hải, dựa trên bản ghi nhớ hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước.
Trả lời phỏng vấn báo chí khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản tại thủ đô Tokyo, Tổng thống Marcos cũng nhận định, tình hình tại Biển Đông đang gia tăng căng thẳng thay vì giảm bớt trong những tháng hoặc những năm qua, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Tổng thống Marcos cũng cho biết Philippines mong muốn bắt đầu các dự án thăm dò năng lượng mới ở Biển Đông. Những nỗ lực nhằm tìm ra cách thức hợp tác khả thi về mặt pháp lý trong lĩnh vực thăm dò năng lượng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông thời gian qua liên tục bị đình trệ do những hạn chế về Hiến pháp và các vấn đề về quyền chủ quyền. Hai bên cũng đã nối lại các cuộc thảo luận về việc cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo một thông cáo từ Văn phòng Tổng thống, các cuộc đàm phán đạt được “rất ít tiến triển”.
Tổng thống Marcos bày tỏ mong muốn phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đối thoại về năng lượng, vào thời điểm Philippines muốn giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và than đá, cũng như chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng.