Nhật Bản sẽ tích cực hơn nữa trong đấu tranh với Trung Quốc ở Biển Đông
Nhật Bản đánh giá cao vai trò của UNCLOS và Phán quyết của Tòa trọng tài trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Nhật Bản và Philippines ngày 9/4 đã tổ chức các cuộc đối thoại theo hình thức “2+2” tại thủ đô Tokyo với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao của hai nước.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau khuôn khổ đối thoại lần đầu tiên theo định dạng này của hai bên, Tokyo và Manila đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như an ninh hàng hải của khu vực.
Tuyên bố có đoạn khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là thành tố thiết yếu đối với hòa bình và thịnh vượng khu vực.
Nhật Bản đồng tình với lập trường lâu nay của Philippines về việc phản đối những yêu sách chủ quyền hàng hải phi pháp, những hoạt động quân sự hóa và những hoạt động chèn ép, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Tokyo cũng cùng quan điểm với Manila về việc ủng hộ phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan, đưa ra hồi năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines nhấn mạnh rằng phán quyết này là "cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý".
Tại cuộc đối thoại giữa bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Philippines, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác an ninh thông qua các cuộc tập trận chung.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuyên bố: "Philippines là một quốc đảo giống Nhật Bản, một quốc gia ven Biển Đông và là một đồng minh của Mỹ giống như Nhật Bản. Chúng tôi coi Philippines là một quốc gia rất quan trọng".
Tuyên bố này một lần nữa khẳng định rằng Nhật Bản coi Philippines là một "mắt xích" an ninh chiến lược của Tokyo ở khu vực Tây Thái Bình Dương và là một "trọng điểm" trong các hoạt động can dự của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông.
Là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản không ngừng nỗ lực sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với vấn đề Biển Đông.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông theo những phương diện khác nhau như ngoại giao, dư luận, luật quốc tế và những vấn đề liên quan đến quân sự.
Cách tiếp cận rõ ràng nhất là chỉ trích những chính sách và hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông tại các hội nghị quốc tế cũng như tại các cuộc họp song phương hoặc đa phương.
Nhật Bản có tranh chấp lãnh hải và phân định hàng hải với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, do đó, Tokyo có động lực và thiện chí mạnh mẽ để can dự vào vấn đề Biển Đông.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vai trò của Nhật Bản trong cơ chế an ninh "tiểu đa phương" ở khu vực do Mỹ dẫn đầu này sẽ trở nên nổi bật hơn.
Theo đó, các công tác điều phối của Tokyo với các đồng minh của Mỹ cũng sẽ ngày càng tăng cường. Nói cách khác, Nhật Bản có thể có những hành động quyết đoán và cụ thể hơn nữa đối với những vấn đề tranh chấp ở hai vùng biển nói trên trong những năm tới.