Nhật Bản tham gia sản xuất khí hóa lỏng (LNG) tại Dự án 'Sakhalin-1'
Các công ty năng lượng lớn của Nhật Bản là JERA và Tokyo Gas nhiều khả năng sẽ tham gia sản xuất LNG cùng với các tập đoàn Rosneft và Exxon Mobil tại dự án dầu khí 'Sakhalin-1' vào năm 2021.
Dự án sản xuất LNG có tổng vốn đầu tư khoảng 9,1 tỷ USD, công suất thiết kế 6,2 triệu tấn/năm và dự kiến đáp ứng 10% nhu cầu khí đốt của Nhật Bản. Khí thiên nhiên của dự án “Sakhalin-1” sẽ được vận chuyển từ ngoài khơi vào đất liền thông qua đường ống dài 200 km trước khi được hóa lỏng. Dự án nhận được sự hỗ trợ lớn từ Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư lớn.
Nhật Bản bắt đầu nhập khẩu LNG từ Alaska, Mỹ vào năm 1969 và giữ vị trí số 1 trong số các quốc gia nhập khẩu loại nhiên liệu này trong nhiều năm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh tiêu thụ khí của Trung Quốc thời gian gần đây đã định vị lại thương mại LNG toàn cầu. Tháng 12/2019, Trung Quốc lần đầu tiên vượt Nhật Bản trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới với 7,2 triệu tấn, cao hơn mức 6,6 triệu tấn của Nhật Bản. Do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông thường xuyên leo thang, chính quyền Nhật Bản đang thực hiện các bước đi quan trọng nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, trong đó có LNG. Năm 2019, hai tập đoàn Mitsui&Co và JOGMEC đã tham gia 10% dự án “Arctic-2 LNG” của tập đoàn Novatek tại bán đảo Yamal, dự kiến khởi công vào năm 2023, công suất thiết kết đạt 19,8 triệu tấn, tổng vốn đầu tư khoảng 21 tỷ USD. Khoảng 80% lượng LNG của dự án này sẽ xuất khẩu sang các thị trường châu Á, bao gồm cả Nhật Bản.
Bên cạnh đó, hợp tác năng lượng Nga - Nhật trong lĩnh vực LNG ngày càng tích cực. Tháng 9/2019, Novatek đồng ý hợp tác với Mitsui và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) trong xây dựng các cơ sở trung chuyển LNG tại Kamchatka và Murmansk. Công suất hai cảng trung chuyển tại Murmansk và Kamchatka lần lượt là 20,9 triệu tấn/năm và 21,7 triệu tấn/năm, dự kiến khánh thành vào năm 2023. Cũng trong năm 2019, lô LNG đầu tiên của Nga từ nhà máy Yamal LNG đã tới Nhật Bản. Tập đoàn Novatek và công ty SaibuGas cũng đạt thỏa thuận sử dụng các cảng LNG Hibiki của Nhật Bản để trung chuyển LNG đến các nước châu Á - TBD.