Nhật Bản thành lập Lực lượng tác chiến vũ trụ
Nhiệm vụ chính của lực lượng này là thiết lập hệ thống giám sát vũ trụ nhằm bảo vệ các vệ tinh nhân tạo của Nhật Bản khỏi sự tấn công hoặc gây hại từ vệ tinh của các nước khác cũng như từ các loại rác vũ trụ. Ngoài ra, lực lượng mới được thành lập cũng tham gia giám sát quỹ đạo bay của các loại vệ tinh nhân tạo khả nghi và rác trên vũ trụ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 18/5 đã chính thức công bố thành lập Lực lượng tác chiến vũ trụ.
Tại lễ thành lập, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh việc bảo đảm ưu thế của Nhật Bản trong không gian vũ trụ là vô cùng quan trọng, do đó việc thành lập Lực lượng tác chiến vũ trụ đầu tiên rất có ý nghĩa và cũng nhận được sự kỳ vọng lớn của người dân.
Bộ trưởng Kono đánh giá lực lượng này sẽ gặp nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ, cần nhanh chóng xây dựng biên chế và đào tạo nhân lực để có thể đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong môi trường an ninh mới. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản phân tích, việc bảo vệ và giám sát các vệ tinh nhân tạo là rất quan trọng bởi đây là kênh thu thập và truyền tải thông tin quân sự không thể thiếu trong môi trường an ninh hiện nay.
Lực lượng tác chiến vũ trụ có biên chế ban đầu 20 người và sẽ tăng lên thành 100 người từ năm 2023, có trụ sở đặt tại căn cứ Fuchu của Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF). Nhiệm vụ chính của lực lượng này là thiết lập hệ thống giám sát vũ trụ nhằm bảo vệ các vệ tinh nhân tạo của Nhật Bản khỏi sự tấn công hoặc gây hại từ vệ tinh của các nước khác cũng như từ các loại rác vũ trụ. Ngoài ra, lực lượng mới được thành lập cũng tham gia giám sát quỹ đạo bay của các loại vệ tinh nhân tạo khả nghi và rác trên vũ trụ.
Để đáp ứng nhiệm vụ trên, Chỉ huy Lực lượng tác chiến vũ trụ Toshihide Ajiki cho biết, Lực lượng này sẽ nhanh chóng tiến hành huấn luyện trên các thiết bị mô phỏng để phục vụ công tác đào tạo, đồng thời thảo luận về việc chia sẻ thông tin với quân đội Mỹ. Tới đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng lên kế hoạch triển khai hệ thống radar giám sát vũ trụ đặt tại tỉnh Yamaguchi, liên kết với Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và quân đội Mỹ để chuẩn bị xây dựng hệ thống giám sát vũ trụ và đưa hệ thống này vào hoạt động từ tài khóa 2023.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tham gia các cuộc diễn tập mô phỏng tác chiến vũ trụ với Mỹ từ năm 2016 và đang lên kế hoạch đưa binh sĩ tới Trung tâm điều hành không gian hỗn hợp tại căn cứ Vandenberg ở California (Mỹ).
Theo Nikkei Asian Review, cuộc đua không gian đang ngày càng nóng khi các nước chạy đua giành thế chủ động, các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trên các vệ tinh cũ của mình, điều mà theo Nikkei Asian Review là "không bị cấm theo luật quốc tế".