Nhật Bản: Thị trường chứng khoán bất ổn, nhà thầu quốc phòng hưởng lợi

Tại Mitsubishi Heavy, lượng đơn hàng tồn đọng trong phân khúc máy bay, quốc phòng và không gian đã tăng gấp ba lần trong ba năm và triển vọng tương đối vững chắc trong 5 năm tới.

Tàu ngầm là một trong những vũ khí quốc phòng mà Mitsubishi Heavy Industries chế tạo cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. (Ảnh của Naoki Hori)

Tàu ngầm là một trong những vũ khí quốc phòng mà Mitsubishi Heavy Industries chế tạo cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. (Ảnh của Naoki Hori)

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Nhật Bản đang ở thời điểm bất ổn, các nhà thầu quốc phòng như Mitsubishi Heavy Industries đã được hưởng lợi từ dòng tiền của các nhà đầu tư lạc quan vào triển vọng tăng trưởng ổn định của lĩnh vực này.

Tại Mitsubishi Heavy, lượng đơn hàng tồn đọng trong phân khúc máy bay, quốc phòng và không gian đã tăng gấp ba lần trong ba năm.

Giám đốc Tài chính của Mitsubishi Heavy, Hisato Kozawa cho biết nhà thầu này đang đạt được tiến triển ổn định trong việc giải quyết lượng đơn hàng tồn đọng và tin rằng triển vọng tương đối vững chắc.

Doanh thu từ phân khúc này tăng 45% lên 211,7 tỷ yen (1,44 tỷ USD) trong quý đầu tiên của tài khóa kết thúc vào tháng 6/2024. Lợi nhuận 23,6 tỷ yen của phân khúc này gấp 2,5 lần so với cùng kỳ tài khóa trước.

Kết quả trên đạt được phần lớn là nhờ lợi nhuận cao hơn từ các sản phẩm của ngành quốc phòng như tên lửa và máy bay chiến đấu.

Bắt đầu từ tài khóa 2023, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tăng biên lợi nhuận giả định cho các nhà cung cấp quốc phòng lên tối đa 15% từ 8%.

Mitsubishi Heavy dự kiến sẽ thấy tỷ trọng đơn hàng có lợi nhuận lớn hơn trong danh mục đầu tư của mình.

Theo nhà phân tích Toshiharu Morota của Okasan Securities, Mitsubishi Heavy đang trên đà ký kết hơn 7.500 tỷ yen hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ tài khóa 2023 đến tài khóa 2027.

Nhà phân tích này cho rằng cả doanh số và lợi nhuận của Mitsubishi Heavy có thể tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới.

Ông Tomohiko Sano của JPMorgan Securities Nhật Bản cho biết "thị trường rất quan tâm đến việc liệu có thêm đơn hàng nào ngoài Bộ Quốc phòng Nhật Bản hay không, chẳng hạn như hợp đồng bảo dưỡng thiết bị cho quân đội Mỹ."

Giá cổ phiếu của Mitsubishi Heavy đã giảm mạnh vào ngày 2/8 theo xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên, kể từ khi công ty công bố kết quả kinh doanh vào đầu tuần qua, giá cổ phiếu đã phục hồi ấn tượng theo hình chữ V, vượt xa sự phục hồi yếu hơn của chỉ số chứng khoán Nikkei 225.

Đối với các nhà thầu khác trong lĩnh vực quốc phòng của Nhật Bản, Kawasaki Heavy Industries hiện kỳ vọng 651,5 tỷ yen từ các đơn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2025, tăng 18% so với năm trước và đánh dấu sự nâng cấp so với triển vọng trước đó là 589 tỷ yen.

Tập đoàn IHI ước tính 299 tỷ yen từ các đơn đặt hàng động cơ và thiết bị hàng không quốc phòng cho tài khóa kết thúc vào tháng 3/2025, tăng 11% so với mức cao kỷ lục được ghi nhận vào năm trước.

Theo Giám đốc IHI Yasuaki Fukumoto, tập đoàn kỳ vọng doanh thu cả năm từ động cơ và thiết bị hàng không quốc phòng sẽ đạt 155 tỷ yen, tăng 24% so với năm trước.

Mitsubishi Electric đã công bố mức tăng trưởng doanh thu theo năm là 32% lên 54,1 tỷ yen trong phân khúc hệ thống quốc phòng và không gian trong quý đầu tiên kết thúc vào tháng 6/2024.

Theo công ty, tình hình thị trường đang vững chắc và các đơn đặt hàng dự kiến sẽ tăng đáng kể trong tương lai.

Giá cổ phiếu của Mitsubishi Heavy cao gấp 2,1 lần so với cuối năm ngoái, vượt qua mức tăng trung bình 5% của Nikkei, còn IHI và Kawasaki Heavy đã tăng 80% và 34%.

Theo truyền thống, cổ phiếu ngành công nghiệp quốc phòng được hưởng lợi từ các diễn biến thị trường do rủi ro địa chính trị leo thang, nhưng điều này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn sau khi căng thẳng lắng xuống.

Thế nhưng, khi rủi ro địa chính trị dai dẳng, cổ phiếu quốc phòng đang có vị thế để góp mặt trong diễn biến thị trường trong dài hạn.

Một thách thức mà các nhà thầu quốc phòng phải đối mặt là triển khai hiệu quả nguồn nhân lực. Mitsubishi Heavy có kế hoạch tăng biên chế của mảng quốc phòng lên khoảng 30%.

Động thái này sẽ bao gồm việc điều chuyển nhân sự nội bộ. Mitsubishi Electric sẽ từng bước bổ sung khoảng 1.000 người vào mảng kinh doanh quốc phòng của mình.

Nhà phân tích Satoshi Taninaka của SMBC Nikko Securities lo ngại về khả năng cao là một bộ phận nhân sự kỹ thuật sẽ thiếu kinh nghiệm và sẽ theo dõi chặt chẽ những cải thiện trong tương lai về hiệu quả sản xuất của tập đoàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-thi-truong-chung-khoan-bat-on-nha-thau-quoc-phong-huong-loi-post969737.vnp