Nhật Bản tìm cách đáp ứng nhu cầu du khách tăng cao trong mùa Hè
Theo ước tính của JTB, công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản, số lượng khách du lịch cả nội địa và nước ngoài sẽ khôi phục tương đương mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 trong mùa Hè này.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động trong ngành du lịch - với khoảng 300.000 lao động rời đi trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành - đang khiến các cơ sở kinh doanh phải đau đầu tìm cách xoay xở.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, JTB dự báo Nhật Bản trong mùa Hè này sẽ đón lượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế gần tương đương với mức năm 2019. Theo đó, trong thời gian cao điểm du lịch Hè từ 15/7-31/8, dự kiến sẽ có khoảng 72,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 17% so với năm 2022. Song chi phí trung bình cho một chuyến du lịch sẽ vào khoảng 40.000 yen/người (khoảng 277 USD/người), tăng khoảng 10% so với năm 2019 và là mức cao nhất kể từ khi JTB bắt đầu thống kê số liệu loại này vào năm 1996.
Trong khi đó, du khách quốc tế đến Nhật Bản vào cùng giai đoạn ước đạt 1,2 triệu lượt, tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước. Nhưng mức chi phí trung bình sẽ duy trì ở mức chỉ tương đương khoảng 40% so với năm 2019, do đồng yen đang ở mức thấp.
Như vậy, tổng lượng khách du lịch cả nội địa và quốc tế đến Nhật Bản trong đợt nghỉ Hè năm nay có thể sẽ phục hồi ở mức 73,7 triệu lượt, tương đương 98% so với năm 2019.
Cùng với sự phục hồi của số lượng khách du lịch thì giá cả dịch vụ cũng tăng đáng kể. Ví dụ giá phòng khách sạn Okura Tokyo trong tháng Tám dự kiến sẽ tăng 7% so với năm ngoài, ở mức 110.000 yen/đêm (khoảng 760 USD/đêm) cho 1 phòng cao cấp. Hay tại khu nghỉ dưỡng Kyoritsu do công ty quản lý bất động sản Kyoritsu Maintenance điều hành, giá phòng trong tháng Tám cũng tăng trung bình khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, bài toán nan giải thực sự ở đây là đà phục hồi chậm về số lượng nhân viên làm việc trong ngành du lịch Nhật Bản. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), ngành du lịch dịch vụ Nhật Bản sẽ cần tới 5,6 triệu lao động trong năm 2023. Song con số trên vẫn thấp hơn 300.000 lao động so với năm 2019. Điều này khiến các cơ sở kinh doanh phải tìm cách xoay xở để đáp ứng nhu cầu lượng khách du lịch tăng cao trong dịp này.
Theo một cuộc khảo sát của Tập đoàn Tài chính Nhật Bản (JFC) thực hiện từ tháng 10-12/2022, có tới 56% cơ sở dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời rằng họ đã mất cơ hội thu được lợi nhuận tốt hơn do thiếu lao động.
Mặc dù vậy, ông Ryuji Sawada, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nhận định việc tăng tuyển dụng nhân viên cũng là “con dao hai lưỡi” do vẫn còn những dấu hỏi về tính bền vững của quá trình khôi phục nhu cầu du lịch. Giá trị đồng yen có thể đảo chiều hay số tiền tiết kiệm được trong giai đoạn dịch COVID-19 đang giảm dần cũng là những nhân tố có thể ảnh hưởng đến lượng khách du lịch cả nội địa và quốc tế./.