Nhật Bản triển khai tên lửa 'sát thủ diệt hạm' sớm hơn 1 năm, ứng phó với các mối đe dọa an ninh

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ đưa vào sử dụng tên lửa được mệnh danh 'sát thủ diệt hạm' mới nhất sớm hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu.

Tên lửa đất đối không Type-12 (phải) và tên lửa đất đối không tầm trung Type-3 được nhìn thấy trong buổi lễ khai trương đồn trú của quân đội Nhật Bản trên đảo Ishigaki, Okinawa vào tháng 4/2023 (Ảnh: Kyodo)

Tên lửa đất đối không Type-12 (phải) và tên lửa đất đối không tầm trung Type-3 được nhìn thấy trong buổi lễ khai trương đồn trú của quân đội Nhật Bản trên đảo Ishigaki, Okinawa vào tháng 4/2023 (Ảnh: Kyodo)

Thông tin chi tiết về tên lửa đất đối hạm Type-12 nâng cấp đã được tiết lộ trong Sách trắng hàng năm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản xuất bản hồi đầu tháng này. Theo Sách trắng, tên lửa nâng cấp đã “trải qua nhiều thử nghiệm trên mặt đất” và sẽ sẵn sàng triển khai vào năm tới – sớm hơn 12 tháng so với kế hoạch.

Bộ Quốc phòng tiết lộ, vũ khí siêu thanh của Nhật Bản cũng sẽ sẵn sàng được giao vào năm 2026, tức 3 năm sau khi bắt đầu sản xuất hàng loạt, khi nước này đặt mục tiêu nâng cao năng lực tên lửa siêu thanh và đối kháng mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Minoru Kihara cho biết trong Sách trắng rằng Nhật Bản phải đối mặt với một “môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp”, đồng thời chỉ ra việc Trung Quốc xây dựng quân đội nhanh chóng và tăng cường các hoạt động hải quân là thách thức chính.

Ông cũng cam kết sẽ ưu tiên phát triển năng lực tên lửa tầm xa của Nhật Bản.

“Nhật Bản sẽ mua nhiều loại tên lửa tầm xa sớm hơn dự kiến ban đầu, bao gồm tên lửa Tomahawk và phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa đất đối hạm Type-12 nâng cấp”, ông Kihara cho hay.

Sách trắng của Nhật còn bao gồm một bức ảnh về nguyên mẫu của tên lửa nâng cấp, có mũi thấp và cánh xuôi về phía sau có thể gập lại.

Mặc dù giống với tên lửa AGM-158 JASSM do Mỹ sản xuất, nhưng vũ khí của Nhật Bản vẫn giữ lại vây đuôi hình chữ X và khe hút gió ở mặt dưới phần thân của phiên bản gốc. Phần cánh mở rộng và động cơ phản lực cho thấy Type-12 được nâng cấp sẽ có tầm bắn tăng đáng kể.

Sách trắng không tiết lộ tầm bắn mới của nó, nhưng truyền thông Nhật Bản trước đó đưa tin rằng nó có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa tới 900 km và mục tiêu là mở rộng tầm bắn này lên 1.200 đến 1.500 km.

Nếu tầm bắn 900 km được xác nhận, điều này có nghĩa là tên lửa Type-12 nâng cấp được bắn từ cực nam đảo Kyushu của Nhật Bản sẽ có thể vươn tới vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Quần đảo này được cả Trung Quốc và Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.

Nếu tầm bắn được mở rộng lên 1.500 km, tên lửa này thậm chí có thể tấn công các mục tiêu gần phía bắc Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một đơn vị Type-12 được trang bị tên lửa phiên bản gốc đã được triển khai tới Ishigaki, một trong những hòn đảo phía nam Nhật Bản gần Đài Loan nhất.

 Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara tuyên bố sẽ ưu tiên phát triển năng lực tên lửa tầm xa của Nhật Bản (Ảnh: Kyodo)

Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara tuyên bố sẽ ưu tiên phát triển năng lực tên lửa tầm xa của Nhật Bản (Ảnh: Kyodo)

Quân đội Nhật Bản đã đặt hàng trị giá 2,35 tỉ USD để mua 400 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk tầm bắn 1.600 km do Mỹ sản xuất.

Việc chuyển giao Tomahawk cũng được đẩy nhanh hơn 1 năm, tức vào năm 2025. Điều này có nghĩa là khả năng đối đầu của Nhật Bản sẽ được tăng cường đáng kể vào năm tới khi cả tên lửa Type-12 và Tomahawk do Mỹ sản xuất đều được bổ sung vào kho vũ khí của nước này.

Bên cạnh phiên bản nâng cấp phóng từ mặt đất có thể sẽ được giới thiệu vào năm tới, Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục phát triển các biến thể phóng từ tàu và phóng từ trên không của tên lửa Type-12, đồng thời có kế hoạch triển khai ít nhất 11 đơn vị tên lửa này.

Nhật Bản cũng đang nghiên cứu tên lửa lướt siêu tốc (HVGP) và tên lửa siêu thanh kể từ năm 2018, như một phần trong nỗ lực tăng cường “khả năng ngăn chặn và đánh bại các lực lượng xâm lược trên khoảng cách xa”.

Theo một đoạn video được Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần của Bộ Quốc phòng công bố đầu tháng này, cuộc thử nghiệm HVGP trước khi phóng đã được thực hiện tại California, Mỹ vào ngày 23/3.

Đoạn video cho thấy tên lửa được phóng bằng động cơ đẩy từ bệ phóng gắn trên xe tải, “để xác minh hệ thống đo lường cho các cuộc thử nghiệm phóng trong tương lai”.

HVGP, vẫn đang được phát triển, đã bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm ngoái với mục tiêu bắt đầu giao hàng vào năm 2026.

Phiên bản hiện tại của HVGP dành cho bệ phóng di động trên đường nhưng một biến thể chống hạm – tương tự như Tomahawk và JASSM – cũng dự kiến sẽ được phát triển.

Theo SCMP

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhat-ban-trien-khai-ten-lua-sat-thu-diet-ham-som-hon-1-nam-ung-pho-voi-cac-moi-de-doa-an-ninh-post176859.html