Nhật Bản trước tác động 'đa tầng' của già hóa dân số

2.761 là số lần bà Hiroko Hatagami gọi đến tổng đài khẩn cấp Nhật Bản trong vòng chưa đầy 3 năm qua, không vì lý do gì cụ thể, ngoài việc bà… quá cô đơn. Sự cô đơn trong câu chuyện của bà Hatagami vô tình phản ánh thực tế của Nhật Bản, với những tác động xã hội khi dân số ngày một già đi. Vấn đề già hóa dân số đang từng ngày thay đổi nhịp sống, chính sách và thậm chí chiến lược của quốc gia này.

Nỗi lo khi dân số ngày càng già

Đầu năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thừa nhận trước phiên họp Quốc hội một điều chưa từng có, rằng Nhật Bản đang “trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội” do khủng hoảng dân số. Nhật Bản đang già đi. Độ tuổi trung bình của người dân Nhật Bản hiện là 49. Trong khi đó, so với các nước phát triển khác, Nhật Bản cũng là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất, với tỷ lệ sinh đã giảm xuống còn 1,3 ca sinh trên một phụ nữ trong vài thập kỷ qua, một trong những mức thấp nhất ở châu Á.

Những tác động của già hóa dân số đang được cảm nhận rõ ràng hơn lúc nào hết tại Nhật Bản. Ảnh: IMF.

Những tác động của già hóa dân số đang được cảm nhận rõ ràng hơn lúc nào hết tại Nhật Bản. Ảnh: IMF.

“Liệu chúng ta có thể tiếp tục hoạt động như một xã hội hay không?” Thủ tướng Kishida đặt câu hỏi, như cách mà đất nước này đang đối diện vấn đề dần trở thành cố hữu của mình. Những dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi được chú trọng hơn. Biển chỉ dẫn người già xuất hiện trên cả những hàng ghế tại sân ga. Thậm chí, theo cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, hơn một nửa thành viên trong các tổ chức tội phạm yakuza khét tiếng nước này cũng đã ngoài 50 tuổi. Nhìn rộng hơn, một nửa số đô thị ở Nhật Bản hiện được chỉ định là khu vực ít dân cư, nơi dân số đã giảm 30% hoặc hơn kể từ năm 1980, theo The Guardian.

Ở quận cảng Iwase, cư dân đã quá quen thuộc với những con đường ít người qua lại. “Đã từng có rất nhiều cửa hàng ở đây, nhưng tất cả đã biến mất. Quầy rau, rồi quầy cá, tất cả đều đã đóng cửa khoảng 5 năm trước”, bà Miwako Kawakami, 87 tuổi, chia sẻ sau khi chậm rãi dùng gậy băng qua đường để gặp người hàng xóm 86 tuổi của mình. Iwase đang trở nên “trống rỗng”, bởi những người trẻ cứ dần rời đi, chỉ còn những người già ở lại.

Có nhiều hơn một Iwase vắng tanh như thế đang xuất hiện trên khắp Nhật Bản. Dân số của đất nước mặt trời mọc đạt đỉnh vào năm 2010, ở mức 128 triệu người. Giờ đây, con số này chưa đến 125 triệu và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong 4 thập kỷ tới, theo National Geographic. Đồng thời, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản đang có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên cao thứ hai thế giới chỉ sau Monaco, trong khi tỉ lệ sinh vẫn trên đà giảm.

Những thách thức mới

Thực tế mất cân bằng dân số đã và đang làm thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống ở Nhật Bản, từ lối sống cho đến các chính sách xã hội, từ chiến lược kinh doanh đến thị trường lao động, từ không gian công cộng đến nhà riêng.

Một thực tế đã được AP đề cập rằng các quốc gia có dân số già phải đối mặt với áp lực ngân sách để hỗ trợ các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi, đặc biệt là ở những quốc gia mà người cao tuổi chiếm số lượng lớn cử tri. Nhật Bản không phải một ngoại lệ.

Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2021, độ tuổi trung bình cử tri Nhật Bản là 59. Theo nhà nghiên cứu Yasuo Takao thuộc Đại học Curtin, trọng tâm của các đảng phái chính trị khi tranh cử tại Nhật Bản đã chuyển dần từ người nộp thuế sang người hưu trí, phần nào phản ánh tác động của người cao tuổi lên các nhà hoạch định chính sách. Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn của Nhật Bản là một hình dung tiêu biểu cho thực tế này. So với người dân ở các nước công nghiệp hóa khác, người dân Nhật Bản nhận được nhiều lợi ích hơn nhiều so với những gì họ phải trả từ thuế và phí bảo hiểm.

Chương trình trợ cấp sẽ chi trả 70% - 100% chi phí chăm sóc người cao tuổi, tùy thuộc vào thu nhập của người thụ hưởng. Song chính hệ thống này cũng đang gặp khủng hoảng do thiếu hụt nhân sự. Chính phủ Nhật Bản ước tính đất nước sẽ cần thêm 700.000 người vào năm 2040. Các biện pháp khắc phục được đề xuất bao gồm tăng lương, tuyển dụng người về hưu và tình nguyện viên, hay dựa vào robot. Nhưng ngay cả thế, dân số Nhật Bản vẫn cứ tiếp tục già đi. Trong khi đó, chi phí phúc lợi đang leo thang.

Chi phí an sinh xã hội, bao gồm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chăm sóc dài hạn và lương hưu, đã tăng gấp ba lần từ năm 1990 đến năm 2022, hoàn toàn do chính phủ chi trả. Hirotaka Unami, một trợ lý cấp cao của Thủ tướng Fumio Kishida, cho biết: “Hệ thống phúc lợi mà chúng tôi cung cấp có rất nhiều lợi thế và người dân quen với nó. Để duy trì điều đó, chúng ta phải khôi phục lại sự cân bằng giữa lợi ích và gánh nặng. Nếu không, hệ thống phúc lợi không bền vững”.

Nhật Bản là nước có tỉ lệ người già cao so với thế giới. Ảnh: Getty Image.

Nhật Bản là nước có tỉ lệ người già cao so với thế giới. Ảnh: Getty Image.

Vượt lên cả những bài toán xã hội, vấn đề già hóa dân số còn đang tác động đến cả những chiến lược của Nhật Bản, mà nhà phân tích Sarosh Nagar thuộc tạp chí Harvard International Review đã mượn Lý thuyết hòa bình lão khoa để bình luận vấn đề này. Trong các lĩnh vực chính sách đối ngoại, lý thuyết này cho rằng các xã hội già hóa có ít người trẻ tuổi hơn để tuyển dụng nghĩa vụ quân sự, vì thế, năng lực quân sự có phần suy giảm khiến các quốc gia “lão hóa” có xu hướng ôn hòa hơn.

Tuy nhiên, Nhật Bản dường như là một ngoại lệ. Trong kế hoạch cải tổ quốc phòng lớn nhất nhiều thập kỷ của mình công bố tháng 12/2022, Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng chi tiêu an ninh lên 2% GDP vào năm 2027. Đầu tư hiện đại hóa cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng đang ở mức cao nhất trong lịch sử nước này, bao gồm cả việc tăng cường năng lực địa phương, sản xuất tên lửa, máy bay và các thiết bị quân sự khác. Song, Japan Times lại chỉ ra thực tế rằng kế hoạch tăng cường năng lực quân sự của nước này cũng đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân sự để tuyển dụng.

Mục tiêu nhân sự hiện tại của SDF là 247.154 người, nhưng tính đến cuối tháng 3 vừa qua, họ vẫn thiếu hụt 16.400 nhân sự cần thiết. Trong khi đó, số lượng thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 26 - từ lâu đã là lực lượng nòng cốt trong lực lượng tuyển dụng của SDF - đã giảm từ 17 triệu vào năm 1994 xuống còn 10,5 triệu vào tháng 10/2021, một xu hướng có thể sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới. Sách Trắng hàng năm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản năm 2020 cũng minh họa tình thế tiến thoái lưỡng nan về nhân lực của đất nước, với bình luận rằng việc tuyển dụng “đã trở thành một thách thức sắp xảy ra khi đối mặt với dân số ngày càng già đi và thu hẹp với tỷ lệ sinh giảm”.

Điều này đặt ra một nghịch lý: Làm thế nào một xã hội già hóa có thể duy trì đầy đủ nền tảng thuế và nhân lực quân sự cần thiết để thể hiện sức mạnh của mình? Theo Forbes, đối mặt với những thách thức này, Nhật Bản đang đẩy mạnh áp dụng học thuyết quân sự mới tập trung vào công nghệ và tăng cường hợp tác liên minh. Giới tinh hoa Nhật Bản đã bắt đầu đầu tư ngày càng nhiều vào máy bay không người lái cũng như các cải tiến công nghệ cao phục vụ quân sự, đồng thời đầu tư duy trì một lực lượng quân sự nhỏ nhưng tinh nhuệ, theo Harvard International Review.

Một trong những động thái cho thấy sự thay đổi trong chiến lược quốc phòng của Tokyo là nước này gia tăng hợp tác quân sự trong khu vực và quốc tế thời gian gần đây. Nhật Bản và Ấn Độ hồi tháng 9 năm ngoái đã ra thông cáo chung nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hợp tác quốc phòng và hợp tác công nghệ. Đồng thời, Nhật Bản đang liên tục tăng cường hợp tác an ninh với nhiều nước trên cơ sở sáng kiến "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở". Hiện ngoài liên minh quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản đã tăng cường đối tác an ninh với Australia, Ấn Độ, Anh, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á.

Trước đó, hồi cuối tháng 8/2022, Nhật Bản công bố kế hoạch phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao, yêu cầu bổ sung ngân sách cho phát triển các loại đầu đạn mới, bao gồm đầu đạn siêu thanh. Việc tăng cường các vũ khí tầm xa là một phần trong kế hoạch mở rộng đầu tư cho lực lượng SDF nước này. Theo Forbes, vấn đề già hóa dân số, từ một thách thức, dần trở thành một đòn bẩy giúp xứ sở mặt trời mọc lựa chọn hướng đi mới tối ưu hơn nữa tiềm năng quốc phòng của mình.

Rõ ràng, câu chuyện già hóa dân số đang tiếp tục tác động đa tầng đến Nhật Bản, được nhìn nhận rõ nét trong cả chính sách dân sinh lẫn chiến lược quốc phòng. Sự “đa tầng” trong tác động của già hóa dân số đặt xã hội Nhật Bản vào một thách thức mới, không chỉ nằm ở việc thay đổi bức tranh dân số, mà còn là thích nghi với một xã hội đang tiếp tục già đi.

An Nhiên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhat-ban-truoc-tac-dong-da-tang-cua-gia-hoa-dan-so-i702353/