Nhật Bản ứng phó thế nào với kỷ nguyên đồng yen mất giá?
Từ trước đến nay, Nhật Bản luôn có khuynh hướng dựa vào 'đồng yen tăng giá' làm tiền đề triển khai các hoạt động kinh tế, song hiện này đồng nội tệ của nước này đang giảm giá mạnh.
Theo Nikkei bản tiếng Trung Quốc, từ trước đến nay, Nhật Bản luôn có khuynh hướng dựa vào "đồng yen tăng giá" làm tiền đề triển khai các hoạt động kinh tế. Vấn đề lớn nhất của hoạt động kinh tế là tránh để đồng yen tăng giá, các doanh nghiệp Nhật Bản lần lượt di dời cơ sở sản xuất ra bên ngoài.
Kết quả, trong 10 năm gần đây nhất, Nhật Bản ghi nhận 7 năm thâm hụt thương mại, kết cấu kinh tế xảy ra sự thay đổi lớn, không còn được xem là cường quốc xuất khẩu. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch COVID-19, lạm phát mang tính lịch sử đã gây nên tình trạng "đồng yen mất giá trầm trọng" hiện nay.
Điều này đã đóng vai trò quyết định đối với sự xuất hiện của kỷ nguyên "đồng yen mất giá". Từ đây về sau, vấn đề của hoạt động kinh tế Nhật Bản có thể sẽ trở thành tránh để cho đồng yen mất giá.
Trên thị trường ngoại hối, chính sách tiền tệ của Mỹ năm nay là bắt đầu tăng lãi suất vào tháng Ba, trở thành nhân tố ảnh hưởng lớn nhất.
Trên thực tế, nếu so sánh tỷ giá đồng yen với biểu đồ đường cong chênh lệch lãi suất dài hạn giữa Nhật Bản và Mỹ thì có thể thấy rằng, đường cong quỹ đạo của cả hai hoàn toàn trùng nhau. Tuy nhiên, kể từ sau mùa Hè, hai đường cong bắt đầu đi chệch nhau.
Trên thị trường đã đưa ra rất nhiều lý do, nhưng chuyên gia kinh tế Daisuke Karakama của Ngân hàng Mizuho nhấn mạnh: "Áp lực bán tháo đồng yen về mặt cung cầu có khả năng đóng vai trò rất lớn đối với vấn đề này".
Mặc dù luôn ở trạng thái thâm hụt, nhưng thâm hụt của Nhật Bản đã mở rộng quy mô lên hơn 1.000 tỷ yen (7,13 tỷ USD) kể từ tháng 5/2022.
Khác với hành vi mua bán ngoại hối của nhà đầu tư nhạy cảm với xu hướng biến động của tỷ giá hối đoái, hành vi mua bán ngoại hối của doanh nghiệp không nhất thiết xảy ra ngay lập tức.
Do giá nhập khẩu cao, doanh nghiệp buộc phải xoay xở USD nhiều hơn dự kiến, các giao dịch mua vào USD không liên quan đến chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản trở nên nhiều hơn vào mùa Hè, nếu xem xét từ góc độ này, sự trệch nhau của hai đường cong kể từ mùa Hè cũng là điều có thể hiểu được.
Dấu hiệu "đồng yen mất giá trầm trọng" do giá nhập khẩu tăng vọt không thể chuyển hết sang giá xuất khẩu bắt đầu xuất hiện khoảng một năm trước. Sau khi bước vào năm 2022, tình hình xung đột Nga-Ukraine dẫn đến giá năng lượng leo thang, từ đó khiến cho "đồng yen mất giá trầm trọng" diễn biến tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát mang tính lịch sử xuất hiện trong dịch bệnh, Nhật Bản vẫn không thể loại bỏ tâm lý giảm phát, rơi vào vòng tuần hoàn "đồng yen mất giá - chi phí gia tăng - cảm giác thịnh vượng của doanh nghiệp và cá nhân bị tổn hại".
Nếu lạm phát được bình ổn, xu thế mất giá của đồng yen cũng sẽ kết thúc. Tuy nhiên, kết cấu thâm hụt thương mại mà Nhật Bản thiết lập 10 năm nay không phải là vấn đề tạm thời, ngay cả khi cục diện đồng yen tăng giá mang tính chu kỳ xuất hiện, áp lực bán tháo đồng yen về phương diện cung cầu cũng sẽ không kết thúc.
Chuyên gia Tohru Sasaki của JPMorgan Chase & Co cho rằng, kỷ nguyên đồng yen mất giá sẽ kéo dài. Hiện Nhật Bản có một khoản thặng dư thu nhập quốc dân quy mô lớn tạo ra từ các khoản đầu tư ra nước ngoài được tích lũy trong quá khứ, nên vẫn chưa rơi vào tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai.
Trong nửa đầu năm nay, Nhật Bản cũng đã sử dụng thặng dư thu nhập quốc dân để bù đắp thâm hụt thương mại, đảm bảo thặng dư tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, chuyên gia Tohru Sasaki phân tích cho rằng: "Cộng thêm nguyên nhân thâm hụt thương mại, đầu tư nước ngoài thu hẹp, thặng dư thu nhập quốc dân cũng sẽ giảm xuống. Áp lực bán tháo đồng yen về phương diện cung cầu có thể tồn tại trong một thời gian dài".
Trong kỷ nguyên đồng yen mất giá, muốn phục hồi nền kinh tế Nhật Bản, các hoạt động kinh tế cũng phải thay đổi tư duy. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án đưa nhà máy trở lại Nhật Bản để hưởng lợi từ việc đồng yen mất giá.
Chi phí nhân công ở nước ngoài tăng và sự thay đổi môi trường an ninh kinh tế cũng đang thúc đẩy doanh nghiệp quay trở về nước. Bên cạnh đó, cũng có thể tìm ra lối thoát từ việc mở rộng nhu cầu nhập cảnh (khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản) có hiệu quả tương tự với cán cân thanh toán như xuất khẩu.
Các cá nhân nên ứng phó như thế nào? Có thể cân nhắc phân tán tài sản đang nắm giữ trên thị trường quốc tế. Nếu tập trung vào tài sản đồng yen sẽ không thể đạt được hiệu quả gia tăng giá trị tài sản mang lại do đồng yen mất giá. Trong kỷ nguyên đồng yen mất giá, nắm giữ tài sản của các nước có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn Nhật Bản sẽ có sức hấp dẫn hơn.
Cùng với tình trạng bình thường hóa của thâm hụt thương mại, kỷ nguyên giương cao ngọn cờ cường quốc xuất khẩu để tăng trưởng nhanh của Nhật Bản quả thực đang kết thúc. Trong tương lai, Nhật Bản muốn giữ vững địa vị cường quốc kinh tế, thì cần phải linh hoạt điều chỉnh kết cấu nền kinh tế, xác lập hoạt động kinh tế dựa trên tiền đề kỷ nguyên mất giá của đồng yen./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-ung-pho-the-nao-voi-ky-nguyen-dong-yen-mat-gia/257447.html