Nhật Bản ưu tiên đối phó Trung Quốc

Theo kế hoạch mới, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia có hạm đội đánh chặn tên lửa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ

Chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm 21-12 phê duyệt ngân sách quốc phòng cao kỷ lục 5.340 tỉ yen (51,7 tỉ USD) cho năm tài khóa 2021, bắt đầu từ tháng 4 năm sau. Con số này cao hơn 1,1% so với năm ngoái và là lần tăng thứ 9 liên tiếp. Theo Reuters, với việc đảng cầm quyền của Thủ tướng Suga nắm thế đa số trong quốc hội, ngân sách quốc phòng nói trên gần như chắc chắn được thông qua.

Khi đó, Tokyo sẽ dùng một phần ngân sách để bổ sung 2 tàu khu trục mới được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis hiện đại, với radar có tầm hoạt động cao gấp 3 lần so với các hệ thống cũ. Kế hoạch này sẽ nâng tổng số hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển của Nhật Bản lên 10, biến họ trở thành quốc gia có hạm đội đánh chặn tên lửa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Nhật Bản cũng sẽ chi khoảng 323 triệu USD phát triển tên lửa chống hạm tầm xa mới nhằm bảo vệ chuỗi đảo Okinawa ở phía Tây Nam đất nước. Động thái này được tiến hành giữa lúc Tokyo ngày càng lo ngại về các hoạt động của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông, bao gồm xâm nhập các vùng biển quanh quần đảo Senkaku (do Tokyo kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư).

Thủ tướng Suga Yoshihide trong chuyến thăm căn cứ không quân Iruma ở TP Sayama - Nhật Bản hồi cuối tháng 11Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Suga Yoshihide trong chuyến thăm căn cứ không quân Iruma ở TP Sayama - Nhật Bản hồi cuối tháng 11Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ nhận được 912 triệu USD để đóng 2 tàu chiến nhỏ gọn, có thể hoạt động với số lượng thủy thủ ít hơn so với các tàu khu trục thông thường nhằm giảm bớt sức ép lên lực lượng Hải quân vốn đang chật vật tuyển binh vì dân số già. Những khoản chi lớn khác bao gồm 628 triệu USD cho 6 chiến đấu cơ tàng hình Lockheed F-35, trong đó có 2 chiếc F-35B có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng phù hợp với tàu sân bay trực thăng. Đây là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Suga nhằm duy trì chính sách củng cố năng lực quốc phòng của người tiền nhiệm Abe Shinzo, với mục đích cung cấp cho các lực lượng của Nhật Bản chiến đấu cơ, tên lửa và tàu sân bay mới có tầm bắn và độ chính xác cao hơn.

Sự đề phòng của Nhật Bản diễn ra trong lúc Trung Quốc không ngừng có các chuyển động quân sự trong khu vực. Hải quân Trung Quốc hôm 21-12 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông đã băng qua eo biển Đài Loan "suôn sẻ" một ngày trước đó để đến biển Đông "tập trận thông thường". Vùng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố đã triển khai 6 chiến hạm và 8 chiến đấu cơ để theo dõi nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông.

Mặc dù đây không phải là lần đầu các tàu sân bay của Trung Quốc di chuyển gần Đài Loan song chuyến đi của tàu Sơn Đông diễn ra chỉ một ngày sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Mỹ USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan. Trong khi Hải quân Mỹ gọi đây là "hoạt động thường lệ", Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khẳng định đó là "hành động khiêu khích" nhằm hủy hoại ổn định khu vực.

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nhat-ban-uu-tien-doi-pho-trung-quoc-20201221214359957.htm