Nhật Bản vội hành động sau hiệp ước Trung Quốc- Solomon

Tokyo đã cử Thứ trưởng Ngoại giao đến quần đảo Solomon sau khi hiệp ước giữa nước này và Trung Quốc được ký kết tuần trước.

Theo tin từ Tokyo, Nhật Bản đã cử Thứ trưởng Ngoại giao Kentaro Uesugi thực hiện chuyến công du ba ngày đến Quần đảo Solomon vào thứ Hai.

Động thái này diễn ra sau khi thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Quần đảo Solomon bất ngờ được ký kết vào tuần trước. Hiệp ước này dự kiến cho phép Trung Quốc có nhiều quyền lợi tại quốc đảo Thái Bình Dương này và bố trí lực lượng Trung Quốc tới gần bờ biển Australia.

Hồi chuông đối với một loạt quốc gia

Tin tức về thỏa thuận giữa Solomon và Trung Quốc đã gióng lên một hồi chuông đối với Mỹ và các đồng minh có lợi ích trong khu vực. Một phái đoàn quan chức cấp cao của Mỹ gần đây được phái đến Solomon đã cảnh báo người dân trên đảo về "những lo ngại đáng kể" đối với thỏa thuận trên.

Phái đoàn Mỹ, bao gồm Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương Kurt Campbell, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung tướng Stephen Sklenka và Quyền Phó Trợ lý Quản trị cấp cao của USAID về châu Á Craig Hart, đã đến quần đảo Solomon vào ngày 22/4 và gặp Thủ tướng Manasseh Sogavare. Họ cũng đã đưa ra nhiều hỗ trợ như mở lại đại sứ quán Mỹ đã bị đóng cửa vào năm 1993, gửi một tàu bệnh viện để hỗ trợ sức khỏe cộng đồng, thảo luận về việc triển khai quân đoàn Hòa bình và cung cấp vắc-xin Covid-19.

Người Mỹ cũng đưa ra thông điệp cứng rắn. "Nếu một số bước đi được thực hiện để thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài (của Trung Quốc -pv) trên thực tế, thì phái đoàn cũng lưu ý rằng Mỹ cũng có những quan ngại đáng kể và sẽ có phản ứng tương ứng", tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.

Hôm thứ Hai, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gọi bất kỳ căn cứ nào của Trung Quốc ở Solomon là "ranh giới đỏ".

Tokyo cũng tiếp bước hành động này, mặc dù với nhiều ngôn ngữ thận trọng hơn. "Chúng tôi tin rằng thỏa thuận trên có thể ảnh hưởng đến an ninh của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chúng tôi đang theo dõi các diễn biến với sự lưu tâm", Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết.

Tuần trước, truyền thông Nhật Bản cho biết phái đoàn của Tokyo sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon Jeremiah Manele tại Thủ đô Honiara. Một cuộc họp với Thủ tướng Manasseh Sogavare cũng đang được lên kế hoạch. Không rõ Tokyo có gói trao đổi nào hay không, nhưng các chuyên gia cho rằng Nhật Bản có thể cố gắng thu hút Honaria bằng các gói hỗ trợ và viện trợ chất lượng cao.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kentaro Uesugi (giữa) đang có chuyến thăm Quần đảo Solomon. Ảnh: AP.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kentaro Uesugi (giữa) đang có chuyến thăm Quần đảo Solomon. Ảnh: AP.

Alex Neill, một nhà phân tích an ninh tại Singapore, nói với Asia Times rằng: "Cơ quan viện trợ Nhật Bản có thể vào cuộc khá mạnh mẽ, đưa ra các gói phát triển và cơ sở hạ tầng. Họ quan tâm đến việc quản lý tốt và họ luôn nói về chất lượng mà họ có thể cung cấp. Họ cũng nói về nguồn tài chính phát triển chất lượng cao như một giải pháp thay thế cho BRI".

Thắng lợi của Bắc Kinh

Thỏa thuận với quần đảo Solomon được coi là một chiến thắng lớn đối với Bắc Kinh, trong bối cảnh nước này tiếp tục mở rộng phạm vi tiếp cận và vai trò của hải quân quốc gia Trung Quốc. Lực lượng này đang mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu với việc nâng cấp các cơ sở ven biển ở các khu vực cách xa Trung Quốc. Về mặt phòng thủ, sức mạnh răn đe hạt nhân gắn trên các tàu ngầm cũng mang lại cho họ khả năng tấn công sớm.

Quần đảo Solomon, với dân số 658.000 người Melanesia, nằm về phía đông bắc của Australia và phía đông của Papua New Guinea. Nhà phân tích Alex Neill cho rằng: "Sau khi trao đổi với những người thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, trong nhiều năm họ coi châu Đại Dương và Nam Thái Bình Dương là khu vực quan trọng để chống lại Trung Quốc. Hiện tại, trong trường hợp của Solomon, Trung Quốc đã thực hiện đáp trả của riêng mình."

Về mặt chính trị, các quốc gia nhỏ ở Nam Thái Bình Dương từ lâu đã trở thành mục tiêu trong cuộc giằng co toàn cầu giữa Trung Quốc và Đài Loan về vấn đề ngoại giao. Solomon đã chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019.

Về mặt chiến lược, các hòn đảo này nằm ở ngưỡng cửa phía đông bắc của Australia. Trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra ngày càng căng thẳng, Australia vào năm ngoái đã tham gia AUKUS, một hiệp ước được nhiều người coi là nhằm đối trọng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Thỏa thuận với Solomon cũng sẽ giúp các tàu Trung Quốc có địa điểm để tiếp nhiên liệu và bổ sung hậu cần ở Thái Bình Dương. Quần đảo này cũng có thể là nơi giúp Bắc Kinh mở một cơ sở đối trọng với căn cứ không quân và hải quân của Mỹ ở Guam về phía bắc.

Một cơ sở như vậy có thể không chỉ làm nhiệm vụ hậu cần mà còn có thể hỗ trợ lực lượng hải quân, đảm nhận nhiệm vụ trinh sát và thu thập thông tin tình báo trong khu vực nếu được cung cấp radar, cảm biến và thiết bị nghe điện tử. Và đây chính là điều các ông lớn trong khu vực hết sức lo ngại.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhat-ban-voi-hanh-dong-sau-hiep-uoc-trung-quoc-solomon-20220426152500845.htm