Nhật Bản vượt mốc 10% dân số trên 80 tuổi
Chính phủ Nhật Bản cho biết hôm 18-9 rằng hơn 10% dân số Nhật Bản hiện ở độ tuổi từ 80 trở lên, cột mốc đáng lo ngại mới nhất trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở đất nước đang già đi nhanh chóng này.
Theo số liệu do Bộ Nội vụ và Truyền thông công bố, tỷ lệ người cao tuổi ở Nhật Bản, được xác định từ 65 tuổi trở lên, cũng ở mức cao kỷ lục, chiếm 29,1% dân số - tỷ lệ cao nhất thế giới.
Bộ công bố số liệu này để đánh dấu Ngày Tôn trọng Người cao tuổi, một ngày nghỉ lễ ở nước này, nơi cũng phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm mạnh và lực lượng lao động bị thu hẹp, có thể ảnh hưởng đến nguồn tài trợ cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe khi nhu cầu từ bộ phận dân số già tăng lên.
Dân số Nhật Bản đã giảm liên tục kể từ khi bùng nổ kinh tế vào những năm 1980, với tỷ lệ sinh là 1,3 - thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định trong trường hợp không có người nhập cư.
Tỷ lệ tử vong đã vượt quá tỷ lệ sinh ở Nhật Bản trong hơn một thập kỷ, đặt ra vấn đề ngày càng lớn đối với các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đất nước này cũng là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
Để đối phó với tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng và với hy vọng vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích nhiều người cao tuổi và các bà mẹ nội trợ tái gia nhập lực lượng lao động trong thập kỷ qua.
Ở một mức độ nào đó, thông điệp đó đã có tác dụng: hiện nay Nhật Bản có số lượng người lao động cao tuổi kỷ lục là 9,12 triệu người, con số này đã tăng lên trong 19 năm liên tiếp. Bộ Nội vụ cho biết rằng những người lao động từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm hơn 13% lực lượng lao động cả nước.
Báo cáo cho biết thêm, tỷ lệ người cao tuổi có việc làm ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.
Nhưng ngay cả việc khuyến khích người lao động cao tuổi cũng không đủ để bù đắp các tác động kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, khi Thủ tướng Fumio Kishida cảnh báo vào tháng 1 rằng Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”.
Ông nói thêm rằng hỗ trợ nuôi dạy trẻ là “chính sách quan trọng nhất” của chính phủ và việc giải quyết vấn đề “đơn giản là không thể chờ đợi được nữa”.
Gần đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore cũng đang trải qua những cuộc khủng hoảng tương tự. Các chính phủ này đang nỗ lực khuyến khích người trẻ sinh thêm con trước tình trạng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng đi kèm với các vấn đề xã hội nảy sinh.