Nhật Bản xả thải, Trung Quốc phản ứng gắt: Nước nhiễm xạ rủi ro tới đâu?
Chiều nay, 24/8, Nhật Bản đã bắt đầu quá trình xả nước thải hạt nhân từ nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương.
Trung Quốc phản ứng gắt
Động thái của Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối của một số nước láng giềng trong khu vực.
Giới chức Trung Quốc đã ra thông cáo gay gắt, tuyên bố: Bắc Kinh "phản đối và lên án mạnh mẽ" hành động của Nhật Bản.
"Có thể sẽ xảy ra một thảm họa thứ cấp do con người gây ra đối với người dân và toàn thế giới nếu Nhật Bản chọn cách xả thải ra biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh trong thông cáo. Phản ứng trước động thái này, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản.
Theo AP, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng ra thông cáo phản đối quyết định của Tokyo. Dư luận Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về hoạt động xả thải trong khi chính quyền nước này hối thúc Nhật Bản công khai thông tin một cách minh bạch và có trách nhiệm.
Nhật Bản xả thải như thế nào?
Trên thực tế, kế hoạch xả thải của Nhật Bản được cơ quan nguyên tử Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua. IAEA khẳng định, kế hoạch xả 1.34 triệu tấn nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển trong vòng 30 năm của Nhật Bản có "rủi ro phóng xạ không đáng kể" đối với con người và môi trường biển. Các tổ chức này nhấn mạnh, động thái xả nước làm mát lò phản ứng ra biển vốn là thông lệ mà các nhà máy điện hạt nhân khắp thế giới thực hiện trong nhiều thập kỷ.
Kể từ sau thảm họa kép năm 2011, đơn vị vận hành nhà máy Fukushima - Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đã phun nước biển lên các lõi lò phản ứng bị hư hại để làm mát. Nước nhiễm xạ được trữ trong hơn 1.000 bể chứa khổng lồ tại nhà máy. TEPCO cho biết, hiện họ không còn chỗ chứa và không còn phương án thực tế nào khác ngoài xả nước đã qua xử lý ra biển.
Để xử lý nước nhiễm xạ trước khi xả ra biển, Nhật Bản áp dụng Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tiên tiến (ALPS) gồm 5 giai đoạn. Theo Financial Times (FT), ALPS sử dụng hàng loạt quy trình hóa học và vật lý để loại trừ gần như tất cả 64 nuclit phóng xạ có trong nước nhiễm xạ của nhà máy Fukushima.
TEPCO cho biết, chất phóng xạ đáng kể duy nhất còn lại là triti, một đồng vị của hydro được tạo ra trong các lò phản ứng hạt nhân. Triti vốn được sản sinh tự nhiên bởi bức xạ vũ trụ trong khí quyển. Chu kỳ bán rã của nó là hơn 12 năm. Vì rất khó tách triti khỏi nước nên nước đã qua xử lý có chứa triti sẽ được pha loãng cùng nước biển với tỉ lệ 1:100 trước khi được xả ra biển thông qua đường ống dài 1km. Theo chính quyền Nhật Bản, nồng độ triti sẽ chỉ bằng 1/7 tiêu chuẩn nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
IAEA cho biết, cơ quan này sẽ khởi động một trang web cung cấp dữ liệu thời gian thực về quá trình xả thải của Nhật Bản và đảm bảo sẽ có mặt tại hiện trường trong suốt quá trình diễn ra.
Rủi ro do chuyên gia đánh giá
Theo FT, nhiều chuyên gia hạt nhân và phóng xạ từng lên tiếng về vấn đề này đều bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch của Nhật Bản. Họ đồng tình với kết luận từ báo cáo an toàn do IAEA đưa ra sau 2 năm nghiên cứu.
Giáo sư khoa học môi trường Jim Smith của Đại học Portsmouth tuyên bố: "Là một nhà khoa học, tôi sẽ bắt đầu quá trình xả thải sớm hơn và thực hiện nhanh chóng hơn".
Chuyên gia y học phóng xạ Geraldine Thomas của Đại học Imperial College London cũng đồng tình với quan điểm này. "Tôi liên tục hỏi TEPCO khi nào họ mới xả thải", bà Thomas nói, "Điều khiến tôi lo ngại là chuyện gì sẽ xảy ra nếu lại có một trận động đất và các bể chứa bị nứt, rò rỉ. Lúc đấy họ sẽ làm thế nào để xử lý dư luận?"
Giáo sư Jim cho biết, so với các đồng vị sinh ra trong lò phản ứng hạt nhân như xê-si (Cs), stronti (Sr) và i-ốt (I), triti là một chất phóng xạ yếu.
Tuy nhiên, cũng có một số bên bày tỏ quan điểm hoài nghi trước dữ liệu và luận điểm ủng hộ kế hoạch xả thải của TEPCO.
Tổ chức khoa học đáng chú ý nhất ngoài châu Á công khai phản đối động thái của Nhật Bản là Hiệp hội các Phòng thí nghiệm Hàng hải Mỹ (NAML). Hồi tháng 12 năm ngoái, NAML đã công bố tiểu luận khẳng định quan điểm của mình, trong đó nhấn mạnh: "Dữ liệu do TEPCO và chính phủ Nhật Bản cung cấp chưa đầy đủ và trong một số trường hợp không chính xác, có lỗi trong các thao tác lấy mẫu, nghiên cứu số liệu và các giả định, dẫn tới sai sót trong kết quả đánh giá an toàn - và cản trở quá trình đánh giá kỹ lưỡng hơn đối với các phương pháp xả thải khác".
Luk Bing-lam, chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Hong Kong (một diễn đàn dành cho những người làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ) thì cho rằng, đánh giá ủng hộ của IAEA phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu từ TEPCO mà hồ sơ an toàn của TEPCO thì không được tốt. "Không ai thực sự biết những tác động dài hạn của việc xả một lượng nước thải lớn như vậy ra môi trường tự nhiên", Luk nói.