Nhật Bản: Xác nhận lần đầu tiên voi rừng châu Phi mang thai

Ngày 21/8, sở thú Asa ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản xác nhận trường hợp đầu tiên về voi rừng châu Phi mang thai ở nước này. Thông tin này làm dấy lên hy vọng về khả năng khôi phục và bảo tồn loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo các chuyên gia, voi rừng châu Phi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. (Nguồn: Kyodo)

Theo các chuyên gia, voi rừng châu Phi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. (Nguồn: Kyodo)

Theo ban quản lý sở thú, voi mẹ được chuyển đến từ Burkina Faso vào năm 2001 và hiện khoảng 25 tuổi. Voi mẹ mang thai là kết quả đáng ghi nhận sau nỗ lực của nhân viên sở thú khi thụ thai giữa voi mẹ hiện nay với một voi đực từ một sở thú khác ở Nhật Bản vào năm 2022.

Đến ngày 14/8, kết quả siêu âm hình ảnh cho thấy quá trình thụ thai đã thành công. Do thời kỳ mang thai của voi thường là 20-22 tháng nên dự kiến, voi mẹ sẽ "hạ sinh" trong khoảng thời gian từ tháng 8-10/2025.

Trong thời gian tới, sở thú vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe của voi mẹ thông qua xét nghiệm máu và các biện pháp khác cho đến khi voi mẹ sinh con.

Theo các chuyên gia, voi rừng châu Phi đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng do sự gia tăng các mối đe dọa liên quan đến biến đổi khí hậu, săn bắn trái phép và xung đột giữa các cộng đồng dân cư.

Trong khi đó, sở thú Asa (hay còn gọi là công viên động vật học Asa của thành phố Hiroshima) cho biết, voi rừng châu Phi rất hiếm trong tự nhiên và chỉ có 3 con tồn tại trong môi trường nuôi nhốt trên toàn thế giới.

Loài này được xếp vào tình trạng "cực kỳ nguy cấp" trong danh sách Đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên Thiên nhiên (IUCN).

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-xac-nhan-lan-dau-tien-voi-rung-chau-phi-mang-thai-283445.html