Nhật Bản xúc tiến kế hoạch di dời căn cứ quân sự Mỹ tại tỉnh Okinawa
Nhật Bản sẽ bắt đầu công tác gia cố nền đất yếu tại vị trí được chọn làm địa điểm để bố trí lại Căn cứ Không quân Futenma của Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, có thể sẽ bắt đầu từ ngày 12/1/2024.
Ngày 28/12, Chính phủ Nhật Bản đã “bật đèn xanh” cho kế hoạch gia cố nền đất lấn biển ở mũi Henoko để tái bố trí căn cứ quan trọng của lực lượng Mỹ trong tỉnh Okinawa.
Hãng tin Kyodo dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ bắt đầu công tác gia cố nền đất yếu tại vị trí được chọn làm địa điểm để bố trí lại Căn cứ Không quân Futenma của Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, có thể sẽ bắt đầu từ ngày 12/1/2024.
Đây là lần đầu tiên chính quyền trung ương đưa ra quyết định thay chính quyền địa phương về kế hoạch này.
Trả lời báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara nhấn mạnh quyết định trên là “cột mốc quan trọng” để di dời toàn bộ Căn cứ không quân Futenma trong thời gian sớm nhất có thể.
Ông Kihara cho biết chính phủ sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền để người dân địa phương hiểu rõ về dự án.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch di dời Căn cứ không quân Futenma từ khu vực đông dân cư Ginowan đến khu vực Henoko thưa dân hơn ở thành phố Nago trên đảo Okinawa. Trong khi đó, người dân địa phương muốn chuyển căn cứ này ra khỏi địa phận tỉnh.
Theo kế hoạch xây dựng, chính phủ sẽ thu hồi khu đất lấp ở ngoài khơi Henoko và xây dựng 2 đường băng hình chữ V. Công tác san lấp mặt bằng ở khu vực phía Nam vùng ven biển Henoko bắt đầu vào năm 2018 và đã được hoàn thành.
Tuy nhiên, công tác này chưa được hoàn tất tại Vịnh Oura do chính quyền tỉnh Okinawa phản đối kế hoạch.
Tuần trước, Tòa án Cấp cao ở Fukuoka ra phán quyết ủng hộ kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở đường cho chính quyền trung ương thực hiện bước đi này.
Tuy nhiên, Tỉnh trưởng Okinawa, ông Denny Tamaki cho rằng phán quyết của tòa án có nhiều vấn đề và ông không thể thông qua kế hoạch đã qua sửa đổi khi rất nhiều người dân địa phương phản đối. Chính quyền tỉnh Okinawa quyết định khiếu nại lên Tòa án Tối cao để phản đối phán quyết trên.
Theo quy định, chỉ khi nào Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết của tòa án cấp thấp, chính quyền tỉnh mới có thể yêu cầu tạm dừng hoạt động tại địa điểm còn tranh cãi.
Công việc san lấp nền còn lại dự kiến mất khoảng 12 năm, trong đó 9 năm để gia cố các khu vực có nền đất yếu và một số công tác xây dựng khác. Sau đó, Mỹ và Nhật Bản sẽ cần 3 năm để hoàn tất xây dựng cơ sở mới. Vì vậy, việc trao trả khu đất được sử dụng làm căn cứ Futenma có thể sẽ diễn ra sau năm 2030./.