'Nhất cận thị, nhị cận giang...'

Mặc đất trời biến chuyển theo vòng quay tạo hóa, xóm làng dần dà đổi thay với nhịp sống đô thị hiện đại, sông vẫn nằm yên bình ở đó, tắm táp thời gian níu giữ lòng người…

Nhà tôi cuối tận cùng sông Đáy, từ ngã ba núi Dục Thúy xuôi dòng đổ ra biển lớn Kim Sơn, dễ phải đến ba chục cây số. Nói dài không dài, bảo ngắn không ngắn. Tính ra cũng vừa đủ gánh gồng phù sa bồi đắp cho cái miệt Yên Khánh tươi xanh ngày càng trù phú. Và bao đời, sông oằn mình, uốn lượn. Mặc đất trời biến chuyển theo vòng quay tạo hóa, xóm làng dần dà đổi thay với nhịp sống đô thị hiện đại, sông vẫn nằm yên bình ở đó, tắm táp thời gian níu giữ lòng người…

Ngót nghét đã hơn hai trăm năm. Cụ tổ vượt dòng nước xiết trốn bè lũ địa chủ sang bên này lập nghiệp. Người cưới vợ khai chi tán diệp, rồi gây dựng họ tộc tại mảnh đất Khánh Cư xinh đẹp. Hồi ấy, sông chưa gắn liền với cái tên mỹ miều vốn được ghi vào sử sách như bây giờ. Ông cha dân gian quen gọi nó bằng tục danh sông Cái chứ không phải Đáy bàng bạc chất thơ, tuy chẳng lớn lắm nhưng xem xét bốn phía xung quanh thì tạm coi đứng đầu.

Người kéo về định cư thưa thớt. Lác đác xa xa mấy căn nhà tường đất, mái tranh liêu xiêu lụp xụp. Thỉnh thoảng bốc lên những vạt khói lam chiều vấn vương mờ ảo. Rừng cây um tùm, phủ xanh gò bãi. Mỗi vụ mùa ngập nước trắng phăng, lũ cò lại rủ nhau cùng tụ tập nhởn nhơ kiếm mồi. Nhiều chỗ hoang vắng vốn chỉ là đầm lầy ngập nước ngút ngát bèo trang. Nơi cụ hay cắp xề cắt khoai nuôi lợn. Khắp chốn hãy còn thân thuộc với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, con trâu đi trước cái cày theo sau. Trông quá đỗi nghèo nàn, xơ xác.

Triều Nguyễn nắm quyền phân chia tỉnh, phủ, huyện cho tới cấp xã. Quan ở trên xuống ngồi thuyền ngao du xuôi dòng chảy, chắc chắn sẽ thị sát hết tuyến huyện. Sông chủ yếu đảm bảo tưới tiêu, phục vụ trồng trọt. Thương nghiệp bị bỏ quên hàng thế kỷ dài, cứ ngủ vùi im lặng. Bến đò nhỏ hẹp, đơn sơ mọc lên tự phát, chuyên chở những tay buôn đi chợ hai miền ven bờ.

Nào có đông đúc, nhộn nhịp giống thời mở cửa. Kinh tế thị trường quét ngang mạnh mẽ, tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp hóa - hiện đại hóa giúp làng quê thay da đổi thịt. Nhà nước đầu tư xây cụm cảng Ninh Phúc, nghe tuyên truyền đâu đó đứng đầu cả nước. Những công trường ngổn ngang dang dở. Nhà máy nối đuôi thi nhau hạ lạc, đò chuyển thành phà thêm phần rộng rãi. Người dân quê thôi không trồng cấy, rũ bùn lầy khoác tấm áo công nhân…

Nhớ vài năm đầu thập niên 2000, những xã giáp ranh thành phố rầm rộ bán đất cho các dự án lớn. Họ xây nhà, tậu xe, mở hàng kinh doanh rộn ràng tấp nập khiến xóm tôi thèm thuồng, khát vọng. Lâu lâu lại thấy xúm xít âm thầm bàn tán chút ít. Dạo đấy, tôi vẫn thường được mẹ đèo bồng đeo đuổi chiếc thuyền của bố để đón cá mang bán. Rong ruổi đến nỗi quen mặt, nhớ tên những con ngòi đục trong như ngòi Ba Mươi, ngòi Hồ Chủ Tịch hoặc vùng chiêm trũng mênh mông là cánh đồng Hào Phú đợt đổ ải…

Có rộng dài thênh thang. Có dập dềnh sóng cuộn. Ấy vậy mà, đứng trước sông vẫn thấy mình thật bé nhỏ. Lọt thỏm giữa thiên nhiên hùng vỹ, nhìn bố thoăn thoắt gỡ những mẻ cá đồng béo mập, mẹ lật đá bắt lũ cáy ham chơi. Tôi mới hiểu rõ lợi ích mà mạch nguồn bất tận ngày đêm ban tặng. Chả trách bà nội bảo “Nhà gần sông không lo chết đói. Tùy tiện cầm nơm, thả vó cũng dư dả bữa trưa”.

Rồi chiều lênh loang, nắng nhuộm vàng hoa cải. Mặt sông lấp lánh ánh bạc phản chiếu bóng hình chúng tôi trượt dài, gãy khúc. Dọc một quãng xuống dưới đò Thông, dăm chục con bò kết đàn chăn dắt. Đám trẻ rảnh rỗi khi chẳng phải trông coi lại nhảy ùm, ngã vào dòng nước mát lạnh, ngụp lặn mò cua cá đem lên bờ đốt lò đất nướng than, thơm sực nức lỗ mũi. Chờ nàng gió Đông Nam vù vù ngọn tre, vội đem những cánh diều căng dây ra thả, in dấu sẫm màu trên nền trời tím nhạt.

Sông của ấu thơ bao dung tựa lòng mẹ, thiết tha ôm trọn kiếp người lênh đênh. Từ anh thuyền chài sống nghề kéo lưới, chị chạy chợ ngày hai buổi đò đưa đến những vụ mùa bội thu cần tưới tắm. Ngỡ muôn đời đục trong đỏ nặng nghĩa tình. Ai ngờ, nhà máy nọ tham lam lén xả thải, tàu ngang qua thở luồng hơi đen xì quyện quánh rác rưởi tứ phương đầu độc bầu sữa mẹ.

Nhưng, biết làm sao. Được cái nọ mất cái kia. Bởi gần đây nhờ cảng, nhờ sông, nông sản trồng ra không sầu lo ế ẩm. Đầu mối giao thương nối liền liên tỉnh, cần gì cũng có, bán gì cũng nhanh. Tết nhất đầu Xuân vui vẻ trẩy hội chợ Viềng, Bái Đính chẳng còn cảnh chen chúc đợi đò, gọi xe. Hàng hóa thì đa dạng. Anh chị dắt díu xin làm trong các xưởng may tư nhân và công ty giày da, thêm cái nhà máy kính, điện tử to đùng hoạt động tăng ca, ầm ì liên tục.

Người với người thoát bần cùng đói khổ. Riêng sông đớn đau song mấy ai nào biết. Kể cả tôi - một kẻ tha hương gửi đời neo xứ lạ, nếu đọc báo buồn mong về ngày cũ thì chỉ giật mình thấp thỏm gọi “Sông ơi là sông”. Thế thôi rồi hết...

Lê Ngọc

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nhat-can-thi-nhi-can-giang-290349.html