Nhặt được của rơi không trả người đánh mất bị xử lý như thế nào?

Theo luật sư, việc nhặt được tài sản của người khác mà không trình báo để trả lại cho chủ sở hữu, giữ làm của riêng có thể bị xử lý hình sự.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video quay cảnh một người phụ nữ nhặt được của rơi trên đường nhưng không chịu trả lại.

Theo đó, sự việc xảy ra trên một cây cầu vượt thuộc địa phận Hà Nội vào sáng 26-7, được tài khoản N.Q.T chia sẻ trên trang facebook cá nhân. Đoạn video cho thấy, một người phụ nữ mặc bộ đồ màu tím, đeo kính râm, đi xe máy và chở con gái ở phía sau.

Nhặt được đồ không trả lại, người phụ nữ còn có biểu hiện la làng.

Nhặt được đồ không trả lại, người phụ nữ còn có biểu hiện la làng.

Trên tay người phụ nữ đang cầm một chiếc túi vải dạng hộp màu xanh da trời, được cho là của khổ chủ bị rơi và được người phụ nữ này nhặt lên. Người được cho là chủ nhân chiếc túi, cũng là người quay lại clip dù đã yêu cầu trả lại nhưng người phụ nữ này nhất định không trả và còn cho là túi của mình.

Khi nam thanh niên chất vấn: “Ở trong này là cái gì?”, người phụ nữ nói: “Là cái áo chứ cái gì?”. Thấy vậy, nam thanh niên bảo: “Đây là chai nước lọc của tôi thôi, chả có cái gì to tát cả. Cô có trả không?”, nhưng người phụ nữ vẫn lươn lẹo, không chịu trả lại...

Mặc cho con gái của người phụ nữ liên tục can ngăn, bảo mẹ trả lại đồ nhưng người phụ nữ vẫn nhất quyết không chịu trả, rồi sau 1 hồi tranh cãi, người này ném chiếc túi của nam thanh niên sang phía bên kia đường, vừa lẩm bẩm: “Việc gì phải trả”.

Cũng trong ngày 26-7, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video ngắn hơn 1 phút ghi lại cảnh hai nhân viên của cây xăng đang trêu đùa với nhau thì cọc tiền trong túi áo của một nam nhân viên rơi ra ngoài. Thời điểm này, một người đàn ông đi xe máy vào phát hiện cọc tiền nên dừng xe, nhanh chân che chắn.

Clip được camera an ninh của cây xăng ghi lại chỉ thấy được diễn biến sự việc, không thấy được biển kiểm soát chiếc xe máy của người đàn ông lượm cọc tiền

Clip được camera an ninh của cây xăng ghi lại chỉ thấy được diễn biến sự việc, không thấy được biển kiểm soát chiếc xe máy của người đàn ông lượm cọc tiền

Lợi dụng lúc nhân viên không để ý đã cúi xuống lượm cọc tiền rồi bỏ đi. Sự việc được ghi tại cây xăng nằm trên địa bàn xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Khi phát hiện tiền bị mất, chủ cây xăng đã trình báo cho cơ quan chức năng. Hiện CQCA đang tổ chức trích xuất các camera an ninh của người dân xung quanh và cây xăng để truy tìm người đàn ông này.

Cả hai sự việc trên đang gây xôn xao mạng xã hội, dư luận tỏ ra bức xúc với hành động nhặt được của rơi nhưng dường như lại cố tình muốn giữ thành của mình của một số người.

Nhìn nhận sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quang Xá (Cty Luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Bộ luật Dân sự quy định người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu.

Nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc CA cơ sở gần nhất hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Phạm Quang Xá, trường hợp người nào cố tình không trả lại thì có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, tùy vào tính chất cũng như số tiền... thì người nhặt được tài sản hoặc người đang quản lý tài sản bị đánh rơi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Luật sư Phạm Quang Xá cho biết, nếu nhặt được của rơi mà cố tình không trả lại người đánh mất có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư Phạm Quang Xá cho biết, nếu nhặt được của rơi mà cố tình không trả lại người đánh mất có thể bị xử lý hình sự.

“Điều 142 Bộ luật Hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” nêu rõ, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ 1-5 năm”, luật sư Phạm Quang Xá phân tích.

Luật sư Phạm Quang Xá cũng cho biết, người nào nhặt được của rơi mà tài sản mặc nhiên có người nhận thì thôi, đó là đạo đức xã hội.Trường hợp nhặt của rơi mà báo cho cơ quan có thẩm quyền, sau 1 năm cơ quan ra thông báo nhưng không có người nhận thì người nhặt được của rơi có thể được thưởng.

Cụ thể, đối với tài sản dưới 10 tháng lương cơ bản thì người nhặt được sẽ được giao luôn tài sản đó. Còn tài sản trị giá trên 10 tháng lương cơ bản thì phải giao cho Nhà nước. Khi đó, ngoài 10 tháng lương cơ bản được hưởng, người nhặt được của rơi còn được hưởng thêm 50% giá trị của tài sản nhặt được sau khi đã trừ 10 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, tài sản nhặt được là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa thì không được hưởng 10 tháng lương mà phải trả cho Nhà nước nhưng được thưởng. Mức thưởng bao nhiêu thì do Nhà nước tùy nghi, không quy định.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhat-duoc-cua-roi-khong-tra-nguoi-danh-mat-bi-xu-ly-nhu-the-nao-203018.html