Nhật - Hàn: Cánh cửa bình thường hóa đã mở ra
Ngày 3.4, Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu đàm phán về việc khởi động hai kênh đối thoại về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia như một bước tiếp theo sau Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng trước giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Fumio Kishida. Cánh cửa hàn gắn sau một thời gian dài băng giá đã được mở ra, nhưng còn cần rất nhiều quyết tâm chính trị để hai bên có thể đạt được những bước tiến thực sự.
Những bước tiến triển tích cực
Đối thoại an ninh kinh tế sẽ có sự tham gia của Hội đồng An ninh quốc gia hai nước, dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng này, trước khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden vào ngày 26.4. Khuôn khổ này dự kiến sẽ đóng vai trò là diễn đàn để thảo luận hợp tác về các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến chất bán dẫn, xe điện và pin, cũng như phản ứng chung của hai nước đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc và áp lực kinh tế khác. Seoul và Tokyo cũng có thể thảo luận về phản ứng của họ đối với Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật Khoa học và Chips của Mỹ trong bối cảnh lo ngại chúng có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp trong nước.
Đối thoại an ninh quốc gia với sự tham gia của các quan chức cấp bộ trưởng từ các cơ quan chính sách đối ngoại và quốc phòng của hai nước cũng dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng thời gian đó, dự kiến sẽ giúp Seoul và Tokyo phối hợp phản ứng trước các hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa ở khu vực.
Những tiến triển trên là kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh mới đây tại Yokyo giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, được cho là đã giúp dọn sạch phần lớn những chướng ngại tích tụ trong suốt 5 năm quan hệ căng thẳng vừa qua.
Chuyến thăm chính thức Tokyo kéo dài hai ngày - chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc sau hơn một chục năm - đã đánh dấu một danh sách quan trọng những việc cần làm. Trong đó, hai bên đã nhất trí khôi phục các cuộc gặp thường xuyên giữa cấp lãnh đạo và đẩy lùi các biện pháp thương mại ăn miếng trả miếng được áp dụng kể từ năm 2019.
Một trong những cành ôliu đầu tiên của Nhật ngay khi Tổng thống Hàn tới Tokyo là việc Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với ba sản phẩm hóa học được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình phẳng. Những hạn chế này được áp dụng vào tháng 7.2019 sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết rằng các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động Hàn Quốc bị buộc phải làm việc cho họ trong Thế chiến II.
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (RIETI) đã công bố nghiên cứu cho thấy rằng: Những hạn chế chỉ gây ra sự sụt giảm lớn trong xuất khẩu hydro florua của Nhật Bản sang Hàn Quốc, chứ không ảnh hưởng đến chất cản quang hoặc polyimide flo hóa.
Bởi thực tế, Hàn Quốc chuyển sang các nhà cung cấp ở EU, Mỹ và Đài Loan; trong khi các công ty Hàn Quốc và các chi nhánh Hàn Quốc của các công ty Nhật Bản cũng tăng cường sản xuất các vật liệu này như một cách đi đường vòng. Chẳng hạn, vào năm 2021, Tokyo Ohka, một chi nhánh Hàn của công ty Nhật đã tăng gấp đôi sản lượng chất cản quang tại Hàn Quốc. Năm 2022, nhà sản xuất hóa chất đặc biệt của Nhật Bản Daikin bắt đầu sản xuất hydro florua tại Hàn Quốc. Và các chất cản quang mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Bỉ được sản xuất bởi một công ty con của nhà sản xuất vật liệu bán dẫn Nhật Bản JSR.
Nói tóm lại, vụ việc hóa ra là một vở kịch tốn kém vì lợi ích của các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc ở cả hai bên. Sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc không bị gián đoạn nghiêm trọng và các công ty Nhật Bản tiếp tục thống trị thị trường cho ba sản phẩm hóa học. Điều này cho thấy một thực tế rằng, Hàn Quốc và Nhật Bản hoàn toàn có thể hợp tác trong việc phát triển các công nghệ hàng đầu.
Khúc mắc vẫn còn đó
Tất cả những bước tiến trên có thể thực hiện được là do quyết định mạo hiểm về mặt chính trị của Tổng thống Yoon khi chấp nhận thất bại trong cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm với Nhật Bản về vấn đề bồi thường cho lao động Hàn Quốc bị buộc phải làm việc không lương trong các hầm mỏ và nhà máy của Nhật Bản. Tuy nhiên, bản thân sự nhượng bộ này của ông Yoon cũng sẽ là một sự rủi ro đối với mối quan hệ giữa hai nước nếu phía Nhật Bản không có những bước đi mạnh mẽ hơn.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái nghiêm trọng trong quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản những năm gần đây là quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 yêu cầu hai công ty Nhật Bản là Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries phải trả lương cho một số lao động còn sống sót từ thời chiến.
Nhiều tháng đàm phán ở cấp bộ trưởng đã không thể thu hẹp khoảng cách về vấn đề này. Cuối cùng, Hàn Quốc nhượng bộ trước sự khăng khăng của Nhật Bản rằng về mặt pháp lý, chấp nhận việc Nhật Bản không có nghĩa vụ phải trả lương cho những người lao động bị cưỡng bức, vì vấn đề này đã được giải quyết theo một thỏa thuận được vào thời điểm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1965. Thay vào đó, Seoul đề nghị sử dụng một quỹ bồi thường hiện tại, được cung cấp bởi sự đóng góp từ công ty sắt thép POSCO và các công ty khác của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, để thuyết phục sự chấp nhận của các nạn nhân, luật sư của họ và công chúng, Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi hai công ty Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản đóng góp tự nguyện cho quỹ đó bên cạnh tuyên bố xin lỗi của chính họ, cùng với lời xin lỗi chính thức từ Chính phủ Nhật Bản.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida, người cũng đang chịu áp lực nặng nề từ những nhân vật bảo thủ trong Chính quyền phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào về lịch sử, cũng chùn bước trước lời kêu gọi này. Trong tuyên bố của mình tại một cuộc họp báo chung, ông Kishida đã không đưa ra bất kỳ lập trường rõ ràng nào về quá khứ rắc rối và loại trừ bất kỳ động thái nào của Nhật Bản nhằm bồi hoàn cho người lao động, dù là gián tiếp.
Phản ứng thiếu rõ ràng này của Nhật Bản đã khiến người dân Hàn Quốc coi đây là một sự đầu hàng. Cựu đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo Shin Kak-Soo bày tỏ sự thất vọng với “sự rụt rè của chính phủ Nhật Bản trước sáng kiến táo bạo của Tổng thống Yoon, người đã mạo hiểm vận may chính trị của mình” để đưa ra một hướng đi có thể được chấp nhận với cả hai.
Có một số hy vọng rằng Thủ tướng Kishida sẽ tận dụng chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vào cuối năm nay như một thời điểm để có những bước đi dũng cảm ơn. Bản thân Tổng thống Hàn Quốc Yoon đã nỗ lực thuyết phục Nhật Bản hòa giải bằng cách gặp gỡ hai nhân vật bảo thủ của Đảng Dân chủ Tự do, Taro Aso và cựu Thủ tướng Yoshihide Suga. Nhưng cho đến nay, ông Kishida dường như không thể hoặc không muốn đáp lại.
Tổng thống Yoon đã hết mình bảo vệ hướng đi của mình khi chấp nhận nhượng bộ trong vấn đề bồi thường. Ông tuyên bố rằng “sự cần thiết phải hợp tác giữa Seoul và Tokyo ngày càng tăng” trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu như căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, gián đoạn chuỗi cung ứng và các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Cánh cửa nối lại quan hệ và bình thường hóa quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản đã được mở ra và có một con đường rõ ràng phía trước để hai bên có thể chống chọi với những cơn bão sắp tới. Nhưng những nguy cơ vẫn còn. Hiện tại, Thủ tướng Nhật Bản Kishida là người chịu trách nhiệm đảm bảo điều đó không xảy ra.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Yoon hôm 16.3, ông Kishida nói: "Chúng tôi sẽ mở ra một chương mới trong mối quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc. Nếu họ có thể tại vị đủ lâu để gắn bó lâu dài, thì khả năng đưa mối quan hệ song phương trở lại đúng đường ray là rất có triển vọng”.