Nhật - Hàn lún sâu vào khủng hoảng ngoại giao
Căng thẳng Nhật - Hàn đứng trước rủi ro leo thang khi Nhật Bản chuẩn bị loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi danh sách khách hàng uy tín, đồng nghĩa với việc hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ chịu các biện pháp xét duyệt gắt gao hơn.
Hãng tin Kyodo hôm 26-7 dẫn các nguồn tin cho biết ngày 2-8 tới, nội các Nhật Bản có thể thông qua quyết định loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” của các nhà nhập khẩu uy tín, những nước được phép mua những sản phẩm và công nghệ của Nhật Bản có thể được chuyển sang sử dụng cho mục đích quân sự.
Hiện nay, có 27 nước nằm trong danh sách trắng bao gồm Đức, Anh, Mỹ, Úc, New Zealand... Bằng cách hoàn tất các thủ đơn giản, các nhà xuất khẩu Nhật Bản có thể bán cho các nước nằm trong danh sách trắng các sản phẩm và công nghệ có thể được chuyển sang sử dụng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, họ phải xin phép Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp Nhật Bản trước khi xuất khẩu các hàng hóa đó sang những nước không nằm trong danh sách trắng.
Hàn Quốc được Nhật Bản đưa vào danh sách trắng vào năm 2004 và nếu Hàn Quốc bị loại bỏ khỏi danh sách này, sẽ có hơn 1.000 sản phẩm của Nhật Bản xuất khẩu sang Hàn Quốc từ linh kiện điện tử cho đến thiết bị máy móc chịu sự kiểm soát gắt gao hơn.
Động thái đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng có thể đẩy cao các căng thẳng với Seoul giữa lúc Tokyo nói rằng niềm tin giữa hai bên đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Hai nước lao vào cuộc đấu khẩu sau khi hồi đầu tháng 7, lấy lý do an ninh, Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu công nghệ cao được sử dụng để sản xuất chip và màn hình, gây ảnh hưởng nặng nề cho các công ty công nghệ Hàn Quốc bao gồm Samsung.
Trong khi đó, Hàn Quốc cho rằng động thái của Nhật Bản là nhằm trả đũa việc Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động ở các nhà máy và hầm mỏ của họ trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.
Các quan chức thương mại Nhật Bản đang đánh giá các ý kiến về kế hoạch đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng được gửi đến cho chính phủ trong giai đoạn tham vấn ý kiến công chúng kết thúc hôm 24-7.
Có tổng cộng hơn 10.000 ý kiến tham vấn, trong đó bao gồm một ý kiến từ chính phủ Hàn Quốc kêu gọi hủy bỏ kế hoạch này. Các quan chức thương mại Nhật bản cho biết đa số các ý kiến đều ủng hộ đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản vẫn đang đánh giá các ý kiến tham vấn của công chúng và chưa đưa ra quyết định nào.
“Kế hoạch đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng là một biện pháp thích hợp để Nhật Bản thực hiện hiệu quả các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc”.
Một quyết định loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách trắng sẽ có hiệu lực ba tuần sau khi được nội các Nhật Bản phê duyệt, tức vào ngày 23-8.
Hôm 26-7, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha kêu gọi Nhật Bản không đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng. Ông Kang Kyung-wha cảnh báo hành động này sẽ làm xấu thêm quan hệ giữa hai nước. Ông cũng hối thúc Nhật Bản đảo ngược quyết định hạn chế các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.
Trước đó, Hàn Quốc đã khiếu nại quyết định này của Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tại phiên họp ở Đại Hội đồng WTO tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 24-7, đại diện của hai nước đã tranh cãi dữ dội.
Đại diện phía Hàn Quốc là Thứ trưởng Bộ Thương mại Kim Seung-ho đã trình bày những tác hại mà biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế, đồng thời yêu cầu Tokyo rút lại biện pháp này. Ông nói rằng biện pháp siết chặt xuất khẩu của Tokyo là một phần trong mâu thuẫn Hàn-Nhật, nảy sinh từ phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc buộc các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nguyên đơn Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động thời chiến. Ông gọi đây là hành vi gây rối loạn thương mại thế giới, xuất phát từ mục đích mang động cơ chính trị.
Ông đề nghị đàm phán trực tiếp với Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shingo Yamagami để giải quyết vấn đề tại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nhưng ông Yamagami từ chối.
Về phần mình, Đại sứ Nhật Bản tại WTO Junichi Ihara khẳng định vấn đề mà Hàn Quốc nêu ra liên quan đến việc quản lý xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, nên không phù hợp để thảo luận tại WTO. Ông nói rằng việc ra quyết định thay đổi quy trình thương mại là đặc quyền của Nhật Bản và không có gì bất thường. Ông giải thích quyết định hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc là do các lo ngại an ninh quốc gia và do Hàn Quốc không duy trì đối thoại để cải thiện các quy trình thương mại liên quan đến các vật liệu công nghệ cao này.
Các động thái hạn chế xuất khẩu nhằm vào ngành công nghệ Hàn Quốc của Nhật Bản đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ của người dân Hàn Quốc. Họ đang mở cuộc vận động tẩy chay hàng hóa Nhật Bản từ bia, mỹ phẩm cho đền xe hơi. Tính đến giữa tháng 7, có hơn 23.000 cửa hàng bán lẻ ở Hàn Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Thậm chí, nhiều trạm xăng và gara ở Hàn Quốc từ chối đổ xăng và sửa chữa các xe thương hiệu Nhật Bản. Cách đây một tuần, một cụ già đã tử vong sau khi châm lửa tự thiêu trước đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Người thân của ông cho biết ông hành động như vậy vì “căm thù Nhật Bản”.
Theo Kyodo, AP
Lê Linh