Nhật ký anh dân phòng Gen Z: Người dân thương lắm, chưa đêm nào trực chốt mà đói bụng!
Hơn một tuần qua, Phạm Minh Hiển - sinh viên năm cuối tại một trường Đại học ở TP.HCM khoác lên mình chiếc áo xanh của đội dân phòng để tham gia hỗ trợ chống dịch.
Ca trực đầu tiên đúng ngày TP.HCM bắt đầu hạn chế giờ ra đường
Công việc hiện tại của Minh Hiển là trực chốt phong tỏa 24/7 và giờ giấc được mọi người trong tổ tự phân công.
“Ban đầu khi nghe phường kêu gọi, mình quyết định đăng ký vì thời gian này cũng chỉ ở nhà, không phải lên trường. Khi tham gia vào nhóm dân phòng, mình mới thấy có nhiều bạn bằng tuổi mình nhưng đã tham gia chống dịch gần một năm. Thấy các bạn giỏi như vậy, mình tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn. Mỗi người chung một tay và hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm khả quan hơn”, cậu bạn sinh năm 1999 chia sẻ.
Điều đặc biệt là ngay ngày đầu tiên trực chốt của Minh Hiển lại đúng ngày TP.HCM bắt đầu hạn chế giờ ra đường đối với mọi người. Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ này, cậu bạn hài hước kể:
“Ban đầu mình không biết, cứ nghĩ trực chốt là được ở trong chốt dân phòng có mái che, có giường nên ngày đầu tiên còn mang theo sách vở để học cho đỡ buồn. Ai ngờ chốt trực của mình là ở vỉa hè, chỉ có một cái ghế, một cây quạt và cái thùng xốp kê làm bàn. Hôm đó là ngày đầu tiên TP.HCM hạn chế mọi người ra đường sau 18h nếu không có việc cấp bách. Ca trực của mình bắt đầu lúc 0h đến 4h sáng. Cả đêm đó không được chợp mắt, mình vừa lạnh và cũng có chút hơi sợ do mới trực chốt ngày đầu”.
Khi biết Minh Hiển trở thành dân phòng tham gia chống dịch tại khu phố đang sống, bố mẹ và người thân của bạn đều vô cùng lo lắng, tới tấp gọi điện hỏi thăm tình hình: “Ngày đầu tiên đi trực, mình phải họp để cấp trên phổ biến những quy định với cách làm việc nên không nghe điện thoại được. Lúc đó, chị hai đã gọi điện cả chục lần nhưng thấy mình không nghe máy nên càng lo lắng thêm”.
Thấy con quá vất vả, lại làm nhiệm vụ trong thời gian dịch bệnh căng thẳng nên mẹ của Minh Hiển cũng ái ngại, khuyên con nên suy nghĩ lại. Để mọi người trong gia đình yên tâm, anh bạn chủ động việc ăn uống, sinh hoạt riêng và tự khử khuẩn quần áo sau mỗi ca trực chốt.
“Mình có nói với mẹ, nếu ai cũng sợ thì không ai làm những công việc ở tuyến đầu phòng chống dịch. Mình cũng được đào tạo về các quy tắc khi làm việc nên cũng hạn chế khả năng lây nhiễm cho người nhà”, Minh Hiển cho biết.
“Người dân thương lắm, chưa bữa nào trực chốt mà đói bụng”
Minh Hiển chia sẻ cảm giác ấm áp khi chứng kiến cách mọi người quan tâm, đối đãi với nhau giữa mùa dịch bệnh. Mọi người trong tổ trực cũng hỏi han, chia sẻ kinh nghiệm với những bạn mới tham gia. Nếu được người dân tặng đồ ăn, các bạn sẽ để dành một ít, chừa cho người đến sau.
“Tụi mình được người dân thương lắm, người cho nải chuối, người tặng bịch bánh để ăn lót bụng. Từ ngày tham gia chống dịch, chưa bữa nào đi trực chốt mà đói bụng hết”, Minh Hiển hài hước chia sẻ.
Gần đây, Minh Hiển được chuyển sang trực gần gia đình có cụ già và trẻ em. Mọi người ở xóm cũng muốn hỏi thăm tình hình của người trong nhà nhưng tuân thủ lệnh giãn cách xã hội nên cũng không thể tiếp xúc gần. “Lâu lâu, mình thấy có người trong xóm để trước cửa nhà này một thùng mì, một bó rau. Thấy thương lắm, mọi người giãn cách xã hội nhưng không hề cách lòng, mà âm thầm quan tâm lẫn nhau”, Minh Hiển bày tỏ.
Minh Hiển tranh thủ giải đề trong ca trực đêm hoặc gọi điện nói chuyện với các bạn. “Mọi người cũng có chút bất ngờ khi biết mình tình nguyện trở thành dân phòng và cũng dặn mình cẩn thận giữ gìn sức khỏe”.
Do lịch hiện tại phải trực đêm nhiều nên Minh Hiển gặp tình trạng thiếu ngủ: “Nhưng không đến nỗi bất tiện vì mọi người cũng tổ cũng giúp nhau. Tụi mình còn trẻ nên khỏe mà. Mình muốn góp chút sức trẻ để đẩy lùi dịch bệnh. Hết dịch chắc chắn ai cũng vui, mình cũng vui”, cậu bạn sinh năm 1999 bộc bạch.