'Nhật ký chiến trường' ngày giải phóng Bình Tuy
Ông là Nguyễn Hữu Trí, cựu Bí thư Huyện ủy Tánh Linh nhiệm kỳ 2000 - 2005, tôi quen lâu nay. Nhiều người nhận xét: Tính tình ông xởi lởi, chân thành và hay chuyện.
Tôi thì nghĩ ông thuộc mẫu người coi trọng quá khứ, nhất là những năm tháng kháng chiến, bằng chứng ông bỏ nhiều công sức tìm mộ liệt sĩ; thông tin cho một số gia đình liệt sĩ biết trường hợp hy sinh của con em họ, vì vậy với nhiều gia đình ông là người ơn, trong khi ông lại bảo: “Làm những việc lâu nay tôi làm là sống phải đạo với người đã mất!”.
Những trang nhật ký chiến trường của ông Trí.
Một con người như thế sẽ dễ hiểu vì sao cứ đến các ngày kỷ niệm: 30/4, 27/7… hàng năm, ông đều dành thời gian đi thăm bè bạn, đồng chí, những người cùng công tác với ông. Tháng 4 năm nay, tôi chờ ông rủ đi thăm đồng đội, thì ông nói: “Mình vừa tìm lại cuốn nhật ký ghi cuối năm 74 đến đầu năm 75. Trong đó có ghi cụ thể những chặng đường hành quân trước ngày giải phóng tỉnh lỵ Bình Tuy (nay là thị xã La Gi). Đọc lại nhật ký lòng nao nao, cảm xúc lẫn tự hào!”.
Với người bình thường nhật ký là cái gì đó có thể ta không chú ý, nhưng đây là nhật ký chiến trường của một chiến sĩ trong thời buổi chiến tranh, tự dưng nó có giá trị - nghĩ vậy mà tôi tìm đến nhà ông ở thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh. Ông giải thích vì sao có nhật ký: “Hồi đó, cơ quan đóng trên đỉnh núi Ông, việc giao tiếp thu hẹp, chỉ gồm người trong cơ quan, trong khi tôi vừa làm liên lạc vừa làm bảo vệ rất cần biết chính xác ngày tháng để thực hiện các nhiệm vụ đưa công văn giấy tờ, phục vụ lãnh đạo. Tôi cố gắng tìm cuốn lịch bỏ túi để ghi nhật ký vì vậy. Không ghi nhiều nhằm bảo đảm bí mật, nhưng với đôi sự việc chính, quan trọng thì tôi ghi chi tiết một chút. Đặc biệt, khi lực lượng ta giải phóng Tánh Linh (25/12/1974), khí thế cách mạng lên cao, tôi nghĩ địch sớm muộn phải thua, ta sẽ giải phóng thêm nhiều nơi, nên nhật ký thường xuyên được ghi”. Tháng 3/1975, sau khi cùng Bí thư Tỉnh ủy Bình Tuy tham gia chiến dịch giải phóng huyện Hoài Đức (nay là Đức Linh), trở về lại căn cứ đóng tại Tánh Linh, ông tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng Hàm Tân - La Gi thuộc tỉnh Bình Tuy cũ, trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra ít lâu. Đoàn đi chiến dịch sử dụng xe chiến lợi phẩm theo đường rừng về huyện Nghĩa Lộ (nay thuộc Tân Hà - Tân Nghĩa, Hàm Tân mới). Cũng theo ông Trí, trước 75, từ Long Khánh ra tới Bình Tuy, địch lập rất nhiều căn cứ, mỗi căn cứ có lính đồn trú kiểm soát đi lại và giữ dân trên quốc lộ 1, vì vậy, những trang nhật ký ở các chặng trên đều được ông ghi kỹ. Chẳng hạn, tại căn cứ 7, ông ghi: “Thứ bảy, ngày 19/4: “Kỷ niệm ngày lấn địch giành thắng lợi, lòng vui như mở hội, ngoài đường số 1 xe nườm nượp chạy. Ba lô sẵn sàng ngự trị rồi tiến công, tiến công rồi ngự trị….”. Ngày 21/4, đoàn đến huyện Nghĩa Lộ. Tại đây, ông biết lực lượng tiến công giải phóng Bình Tuy, gồm: “Tiểu đoàn 15 thuộc Trung đoàn 812, Tiểu đoàn bộ binh và đại đội pháo 130 của sư 304, đại đội xe tăng T54 của Sư 325 thuộc quân đoàn 2”. Đêm 22/4, đoàn tiến dần đến Láng Gòn (nay thuộc xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân). Ông Trí ghi trong nhật ký: “Pháo địch bắn vu vơ từ biển lên. Không kịp đào công sự, chui vào xe “reo” (xe chở gỗ dài) để núp, vui thật! 19 giờ có lệnh hành quân vào giải phóng Bình Tuy” rồi mô tả: “Phía trước là 8 chiếc tăng, theo sau là chiếc zeep của đoàn”. Cũng như sau đó là cảnh tượng của đoàn quân cách mạng vào Tòa hành chính tỉnh lỵ Bình Tuy vào rạng sáng 23/4: “5 giờ 30 sáng lo công việc thật là vất vả, nhưng vui nhất. 11 giờ 30 nấu cơm ăn, trước mắt biết bao nhiêu quân trang địch bỏ lại trông thật thảm hại…”.
Có thể nói, 47 năm trôi qua nhưng đọc nhật ký chiến trường của ông Trí không khỏi hình dung khí thế tiến công của cách mạng lúc bấy giờ, cùng cảnh tháo chạy của địch. Điều đó giải thích vì sao khi tôi chăm chú đọc nhật ký chiến trường, mắt ông Trí đỏ hoe... Tôi biết, ông đang nhớ bao đồng chí đồng đội đã hy sinh, cũng như nhớ ngày giải phóng tỉnh lỵ Bình Tuy (23/4), và ngày cả miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) ít lâu sau đó - những ngày mà triệu triệu người Việt một lòng với cách mạng không quên!