Nhật ký cư dân sống trong tâm dịch Vũ Hán: Khi nào thành phố sống lại?

Kể từ khi có lệnh phong tỏa thành phố, cuộc sống của Guo Jing (29 tuổi) tại Vũ Hán, Trung Quốc và nhiều cư dân tại đây bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch virus corona.

Thành phố Vũ Hán đã bị phong tỏa từ ngày 23/1 để ngăn chặn sự lây lan virus corona. Giao thông ngừng hoạt động, hầu hết cửa hàng và doanh nghiệp đóng cửa, mọi người được khuyên nên ở nhà.

Guo Jing (29 tuổi) là một nhân viên xã hội và nhà hoạt động nhân quyền sống một mình tại thành phố này. Zing.vn trích dịch nhật ký của Guo trong suốt gần một tuần, được cô chia sẻ với BBC.

Thứ 5 ngày 23/1 - ngày phong tỏa

Tôi không biết phải làm gì khi thức dậy và biết về việc phong tỏa thành phố. Tôi không biết nó có nghĩa là gì, sẽ kéo dài bao lâu và nên chuẩn bị những gì.

Trên mạng xã hội, có nhiều bình luận phẫn nộ rằng bệnh nhân không thể nhập viện sau khi được chẩn đoán vì thiếu chỗ; rằng bệnh nhân bị sốt không được điều trị đúng cách.

Ngày càng nhiều người đeo khẩu trang. Nhiều bạn bè nói với tôi nên dự trữ đồ dùng. Các nhu yếu phẩm như gạo và mì gần như cháy hàng.

Có một người đàn ông mua rất nhiều muối. Khi được hỏi tại sao, ông ta đáp: "Nếu nhỡ bị phong tỏa cả năm thì sao?".

Tôi đi đến một hiệu thuốc và nơi này treo biển giới hạn lượt mua cho khách hàng. Khẩu trang và các chất khử trùng đã bán hết.

Sau khi dự trữ thức ăn, tôi vẫn còn sốc. Ôtô và người đi bộ thưa thớt dần trên đường và thành phố như dừng lại đột ngột.

Khi nào thì thành phố sẽ sống lại?

 Vũ Hán bị phong tỏa từ 23/1 để tránh lây lan virus corona.

Vũ Hán bị phong tỏa từ 23/1 để tránh lây lan virus corona.

Thứ 6 ngày 24/1 - một giao thừa lặng lẽ

Thế giới thật yên tĩnh và sự im lặng thật kinh hoàng. Tôi sống một mình, vì vậy chỉ có thể cảm nhận sự hiện diện của những người khác qua tiếng lộp cộp thi thoảng xuất hiện trên hành lang.

Tôi có rất nhiều thời gian để suy nghĩ về việc làm thế nào để sống sót. Tôi chẳng có kế sách hay sự kết nối nào.

Một trong những mục tiêu của tôi là không để bị ốm, vì vậy phải tập thể dục. Thực phẩm cũng rất quan trọng để có thể tồn tại, nên tôi phải xem nguồn cung có đủ hay không.

Chính phủ không thông báo chuyện phong tỏa sẽ kéo dài bao lâu cũng như chúng tôi có thể tiếp tục hoạt động như thế nào. Mọi người nói là việc này có thể kéo dài đến tháng 5.

Các hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi ở tầng dưới đã đóng cửa vào hôm nay, nhưng thật thoải mái khi thấy những người giao hàng vẫn ra đường đưa thức ăn.

Mì trong siêu thị đã bán hết, nhưng vẫn còn một ít gạo. Hôm nay tôi cũng đi chợ để mua cần tây, măng và trứng.

Sau khi về nhà, tôi giặt hết quần áo và đi tắm. Vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng. Tôi nghĩ mình rửa tay khoảng 20-30 lần/ngày.

 Nhu yếu phẩm nhanh chóng cháy hàng do nhu cầu tích trữ của người dân.

Nhu yếu phẩm nhanh chóng cháy hàng do nhu cầu tích trữ của người dân.

Đi ra ngoài khiến tôi cảm thấy mình vẫn còn kết nối với thế giới. Thật khó để tưởng tượng những người già sống một mình và người khuyết tật sẽ vượt qua điều này như thế nào.

Tối nay, tôi không muốn nấu ăn ít hơn bình thường, vì đây là đêm cuối cùng của "năm con lợn" - bữa tối tất niên.

Trong bữa tối, tôi gọi video cho bạn bè. Không có cuộc nói chuyện nào nhắc đến virus corona. Một số người sống ở các thị trấn gần Vũ Hán, một số người chọn không về nhà vì sợ dịch, một số vẫn khăng khăng tụ tập mặc dịch bệnh bùng phát.

Một người bạn của tôi ho suốt trong khi nói chuyện điện thoại nhóm. Một người nói đùa: "Cậu cúp máy đi".

Chúng tôi trò chuyện trong 3 tiếng và tôi đã nghĩ mình có thể tạm yên lòng mà thiếp đi với những suy nghĩ tích cực. Nhưng khi tôi nhắm mắt lại, ký ức về những ngày qua lại hiện về.

Nước mắt rơi. Tôi cảm thấy bất lực, tức giận và buồn bã. Tôi cũng nghĩ đến cả cái chết.

Tôi không có nhiều điều hối tiếc trong cuộc sống, vì công việc đang làm cũng rất có ý nghĩa. Nhưng tôi không muốn cuộc sống của mình kết thúc.

Thứ 7 ngày 25/1 - Tết Nguyên đán

Hôm nay là Tết Nguyên đán. Tôi chưa bao giờ có hứng thú tổ chức mấy vụ lễ lạt, giờ thì Tết nghe càng có vẻ không thích hợp.

Vào buổi sáng, tôi thấy mình hắt hơi ra một ít máu. Tôi đã rất sợ, đầu chứa đầy suy nghĩ về bệnh tật, tự hỏi liệu có nên ra ngoài hay không. Nhưng rồi tôi không bị sốt và vẫn thèm ăn, nên đi ra ngoài một chút.

Tôi đeo hai chiếc khẩu trang dù mọi người nói điều đó vô nghĩa và không cần thiết. Tôi lo lắng về hàng giả hoặc chất lượng kém, nên đeo hai chiếc khẩu trang khiến bản thân yên tâm hơn.

Không khí vẫn rất tĩnh lặng.

Một cửa hàng hoa mở cửa, chủ quán đặt một số hoa cúc (thường được sử dụng trong lễ tang) ở phía ngoài cửa. Tôi không biết hành động đó có ý nghĩa gì không.

Trong siêu thị, các kệ rau trống rỗng và gần như bánh bao, mì đã được bán hết. Chỉ có vài người đang xếp hàng.

 Tập thể dục để giữ sức khỏe tốt là một trong những cách tránh nhiễm bệnh.

Tập thể dục để giữ sức khỏe tốt là một trong những cách tránh nhiễm bệnh.

Tôi luôn mua rất nhiều mỗi lần đi chợ. Tôi mua thêm 2,5 kg gạo dù vẫn còn 7 kg ở nhà, thêm một ít khoai lang, bánh bao, xúc xích, đậu đỏ, đậu xanh, kê và trứng muối, dù thậm chí tôi còn chẳng thích trứng muối. Có lẽ tôi sẽ tặng chúng cho bạn bè, sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.

Tôi đã có đủ thực phẩm trong một tháng. Nhưng đứng trước tình cảnh này, việc mua sắm điên rồ như vậy cũng không khó hiểu lắm.

Tôi cũng đi dạo bên bờ sông. Hai cửa hàng đồ ăn nhẹ đã được mở và một số người ra ngoài dắt chó đi dạo. Một số người khác cũng đang đi dạo như tôi, có lẽ họ cũng không muốn bị mắc kẹt trong nhà mãi.

Tôi chưa bao giờ đi dọc theo con đường này trước đây. Cảm giác như thế giới của tôi đã mở rộng thêm một chút.

Chủ nhật, ngày 26/1 - tiếng nói được lắng nghe

Hôm nay tôi lại rời nhà và gặp 8 người trong khi đi bộ đến một quán mì cách nhà khoảng 500 m.

Tôi không muốn về nhà. Tôi muốn khám phá thêm. Tôi mới chuyển đến Vũ Hán được 2 tháng. Tôi không có nhiều bạn bè ở đây và không biết rõ về nơi này.

Tôi đoán mình đã thấy khoảng 100 người ngày hôm nay. Khoảng 20h, tôi nghe thấy tiếng hét: "Cố lên, Vũ Hán!" từ cửa sổ của mọi người. Tụ tập hô hào cũng là một cách để tự khích lệ.

 Người dân Vũ Hán và nhiều thành phố sử dụng khẩu trang và hạn chế đến nơi công cộng.

Người dân Vũ Hán và nhiều thành phố sử dụng khẩu trang và hạn chế đến nơi công cộng.

Thứ 3 ngày 28/1 - ánh sáng mặt trời

Ở nhiều thành phố, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ngoài mặt là để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhưng thực ra điều này cũng có thể dẫn tới lạm quyền.

Một số người không đeo khẩu trang bị buộc ra khỏi phương tiện giao thông công cộng. Chúng tôi không biết tại sao họ không đeo khẩu trang, có thể là không mua được, có thể là không biết về thông báo. Dù sao thì họ không nên bị tước quyền được ra ngoài.

Theo một số video trên mạng, một số người đã niêm phong cửa nhà của những người tự cách ly. Những người từ tỉnh Hồ Bắc bị đuổi ra khỏi nhà và không có nơi nào để đi.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người đề nghị cung cấp nơi ở cho những người đến từ Hồ Bắc.

Có rất nhiều cách để chính phủ khuyến khích người dân ở nhà. Phải đảm bảo cho người dân có đủ khẩu trang hoặc thậm chí thưởng tiền cho những người ở trong nhà.

Hôm nay, cuối cùng cũng có ánh nắng - giống như tâm trạng của tôi vậy. Tôi thấy nhiều người hơn trong khu dân cư, có vài nhân viên cộng đồng tới kiểm tra nhiệt độ những người tạm trú.

Không dễ để xây dựng lòng tin dưới lệnh phong tỏa. Thành phố bị bào mòn bởi sự nặng nề.

Nỗi lo lắng của tôi về sự sống còn đang dần tan biến. Đi dạo xa hơn trong thành phố sẽ trở nên vô nghĩa nếu tôi không thực hiện bất kỳ kết nối nào với mọi người ở đây.

Tham gia xã hội là một nhu cầu quan trọng. Mọi người phải tìm một vai trò trong xã hội và làm cho cuộc sống có ý nghĩa.

Trong thành phố cô đơn này, tôi phải tìm vai trò của mình.

Mai An

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhat-ky-cu-dan-song-trong-tam-dich-vu-han-khi-nao-thanh-pho-song-lai-post1041087.html