Nhật ký của bác sĩ tại khu phong tỏa: Qua tuần đầu tiên, những hy vọng đã bắt đầu!

Các cung bậc cảm xúc cứ thế ngày nối ngày, và rồi đã qua một tuần, mấy ai nghĩ sẽ kiểm soát được tình hình, nhưng đến hôm nay hy vọng đã dần thành sự thật - Hãy bắt tay vào tái thiết!– Bác sĩ Đặng Văn Trí (Bệnh viện C Đà Nẵng) cập nhật dòng nhật ký khi tròn một tuần chiến đấu với dịch Covid-19.

Tối 1-8, được sự cho phép của bác sĩ Đặng Văn Trí (công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng), báo Người Lao Động đăng tải nhật ký "Nhật ký phong tỏa bệnh viện -Một tuần với nhiều cung bậc cảm xúc". Đây là những suy nghĩ, cảm xúc được bác sĩ Đặng Văn Trí tranh thủ viết vào lúc nghỉ ngơi, khi kim đồng hồ điểm 2 giờ sáng.

Lực lượng hậu cần chuẩn bị suất cơm cho cán bộ, nhân viên, người bệnh bên trong khu cách ly (Clip: bác sĩ Đặng Văn Trí)

Những hy vọng đã bắt đầu phía bên trong rào chắn phong tỏa

Những hy vọng đã bắt đầu phía bên trong rào chắn phong tỏa

Nhật ký phong tỏa bệnh viện-Một tuần với nhiều cung bậc cảm xúc!

Cơn mưa chiều làm dịu cái nóng mùa hè như cơn giận hờn vội vã trút lên các y bác sĩ trong cả tuần qua. Cảm giác dễ chịu và lóe lên tia nắng sớm mai, tia hy vọng đã nhen nhóm. Một tuần trôi qua với những cung bậc cảm xúc của các thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch

"Cách ly trong cách ly", "Khu cách ly đặc biệt" an toàn cấp độ 4

Nơi tuyến đầu, chúng tôi luôn được sống và làm việc trong sự sẻ chia, đùm bọc của cả cộng đồng. Từ cụ bà đã 81 tuổi đem theo 2 bao gạo ủng hộ các bác sĩ "ăn đỡ đói để chống dịch", đến những lời động viên chân tình "cố lên nghe mi" hay những tin nhắn vội vàng "ở trong nớ cần bất cứ thứ chi thì mi cứ nhắn", cứ thế và cứ thế cuồn cuộn lên những dòng người và xe hối hả vận động thiện nguyện để chi viện cho "tuyến đầu chống dịch". Mỗi ngày hàng chục hàng chục tấn hàng nhu yếu phẩm, thuốc men, phương tiện bảo hộ chống dịch được chuyển về khu vực bị phong tỏa. Tình người trong khó khăn kể làm sao siết!

Còn phần chúng tôi, những ngày đầu cứ thấp thỏm lo âu khi mỗi sớm mai thức giấc đều nghe tin các con số tăng lên, giờ đây đã quen dần và có sẵn phương án để nếu như là thế này, nếu như là thế nọ.

Dần dần, về cơ bản chúng tôi đã khoanh vùng, "cách ly trong cách ly", kiểm soát chặt chẽ từng khu vực, hạn chế và tuyệt đối việc di chuyển giữa các phân khu, triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chống lây chéo trong bệnh viện. Nhất là đã triển khai "Khu cách ly đặc biệt" an toàn cấp độ 4 với đồng bộ các trang thiết bị y tế và phương tiện sinh hoạt của người bệnh dương tính. Đó là tòa nhà 3 tầng với 42 phòng, trong đó tầng 2 với cơ số 20 giường cho người bệnh dương tính, các phân khu cho người chờ ra viện và khu vực cho cán bộ y tế.

Và rồi, chúng tôi đã điều trị ổn định các bệnh nhân dương tính, tất cả đều hết sốt, các dấu sinh tồn trong giới hạn bình thường, và nhất là tâm lý rất ổn định và đặt trọn niềm tin vào các thầy thuốc. Đã qua tuần đầu tiên, chưa có thêm ca mới, hy vọng đã bắt đầu!

Những giờ hội chẩn căng thẳng, những bộ đồ cách ly bịt bùng đã trở thành quen thuộc với những người tuyến đầu chống dịch (ảnh bác sĩ Đặng Văn Trí)

Những giờ hội chẩn căng thẳng, những bộ đồ cách ly bịt bùng đã trở thành quen thuộc với những người tuyến đầu chống dịch (ảnh bác sĩ Đặng Văn Trí)

"Mai khôn lớn con đừng hờn mẹ - bởi mẹ làm nghề điều dưỡng đó con!"

Rồi cũng quen dần, từ mờ sáng đã nghe tiếng xe cáng ron reng mà thường ngày vẫn đưa bệnh nhân đi, nhưng bây giờ có thêm "chức năng mới" là đưa các suất ăn đến tận giường cho người bệnh. Và cứ thế sáng, trưa, tối đã qua một tuần với trên 20.000 suất ăn đã được "các tay lái lụa" là các y bác sĩ vận chuyển đều đặn, chưa kể hơn 10.000 lít nước đóng chai và hàng tấn hàng nhu yếu phẩm được vận chuyển đến cho người bệnh và người cách ly, bởi những đôi tay trước đây chỉ quen tiêm chích, lại còn phải mặc áo quần phòng hộ giữa tiết trời hè thường xuyên quanh 40 độ.

Vận chuyển đến thì phải có "khứ hồi". Thế là một tuần qua đã "khứ hồi" trên 15 tấn rác thải - mà tất cả đều phải xử lý như chất thải nguy hiểm độc hại, tức là phải phun thuốc khử khuẩn toàn bộ trước khi đưa đi xử lý. Công việc nặng nhọc nay càng nhọc nhằn hơn. Nhưng rồi, không một tiếng than vãn, thở dài, dù rằng tối về "răng cái lưng ta hắn ê dữ". Thương cảm vô cùng!

Đã thấm mệt, nhưng vẫn còn tiếp tục cho đến ngày cuối cùng. Giờ đây, cái sợ sệt đã lui dần, đã biết cách làm cách nghỉ hợp lý hơn để "trường kỳ kháng chiến" nếu còn "giặc". Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, trong đó có bao nhiêu là "câu chuyện cách ly". Có nam bác sĩ đã mừng rưng nước mắt khi ở trong khu cách ly sáng nay hay tin vợ ở quê đã sinh con trai, mẹ tròn con vuông; có những tiếng vỡ òa khi con gái rượu đã đỗ vào trường chuyên, ... Nhưng cũng còn ưu tư khi con thơ ở nhà thiếu sữa mẹ bởi "nếu một ngày mẹ bị cách ly" xảy ra quá đột ngột, mẹ cương sữa quá đau nhưng không khổ bằng con thơ thiếu vắng cái ôm ấp của tình mẹ. Nghẹn ngào! Mai khôn lớn con đừng hờn mẹ - bởi mẹ làm nghề điều dưỡng đó con!

Các cung bậc cảm xúc cứ thế ngày nối ngày, và rồi đã qua một tuần, mấy ai nghĩ sẽ kiểm soát được tình hình, nhưng đến hôm nay hy vọng đã dần thành sự thật - Hãy bắt tay vào tái thiết!

Tại BVCĐN, 02:08 ngày 01/8/2020

Quang Luật

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhat-ky-cua-bac-si-tai-khu-phong-toa-qua-tuan-dau-tien-nhung-hy-vong-da-bat-dau-20200802080559262.htm