Nhật ký thời chiến - di sản vô giá cho hôm nay và mai sau
Những trang nhật ký thời chiến viết tưởng chừng rất đỗi riêng tư nhưng mang cả tinh thần dân tộc và hơi thở thời đại, đã truyền cảm hứng sống mãnh liệt cho thế hệ trẻ hôm nay.
Chiến tranh đã qua đi, âm thanh của bom đạn đã chìm vào quá khứ nhưng những ký ức về chiến tranh vẫn chưa phai nhạt trong lòng người dân Việt Nam.
Và ký ức ấy được hiện về mạnh mẽ, sâu sắc hơn qua từng trang nhật ký, những dòng tâm sự chân thực, dạt dào từ trái tim mỗi người lính. Những trang giấy nhòe mờ dấu vết thời gian, nhưng ở đó vẫn hiển hiện rõ nhịp đập của cuộc sống nơi chiến trường, nơi có những đau thương, mất mát nhưng luôn ngập tràn lý tưởng, hoài bão, tình yêu và nỗi nhớ thương da diết.
Những trang viết tưởng chừng rất đỗi riêng tư nhưng mang cả tinh thần dân tộc và hơi thở thời đại, đã truyền cảm hứng sống mãnh liệt cho thế hệ trẻ hôm nay.
Khát vọng cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, biết bao thanh niên lứa tuổi 20, như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Chu Cẩm Phong... lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và rồi vĩnh viễn ra đi.
Nhưng bản lĩnh sống, sự hy sinh, khát khao, ước mơ, tình yêu cháy bỏng, ý chí chiến đấu với niềm tin tất thắng của người lính năm xưa thì vẫn gửi lại thế hệ sau qua những trang nhật ký viết vội trên mỗi chặng đường hành quân.
Đó chính là một phần của hiện thực sinh động về cuộc chiến tranh ác liệt, về tình yêu Tổ quốc đến mức quên mình, về tình yêu lứa đôi đẹp như truyện cổ tích nhưng khó trọn vẹn; giúp chúng ta khơi lại nhiều cảm nhận sâu sắc về một thời bom đạn đã lùi vào quá khứ từ hơn nửa thế kỷ qua.
Chắc hẳn nhiều bạn đọc trong và ngoài nước vẫn chưa quên câu chuyện về cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" của Anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Hai cuốn nhật ký với hàng triệu bản in đã được phát hành và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Trong suốt ba năm công tác ở Quảng Ngãi, tại nơi chiến trường khói lửa đạn bom, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã đem toàn bộ tâm tư sâu kín của mình vào những trang nhật ký.
"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" chất chứa biết bao tình cảm, tình yêu trong sáng, mãnh liệt và thánh thiện cho người bệnh, cho đồng chí, cho đồng bào, cho Tổ quốc.
Chị quan niệm “…Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này."
Nắn nót qua từng con chữ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã ghi lại những năm tháng chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, sự hy sinh cao cả của một thế hệ anh hùng.
Hình ảnh của những người lính bị thương, sự đau đớn mà họ phải chịu trong điều kiện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, nhưng ở đó, tình người vẫn đong đầy, tình đồng đội luôn san sẻ và yêu thương nhau trong những ngày sống và chiến đấu gian khổ.
Qua từng trang nhật ký, hình ảnh một cô gái Hà Nỗi sẵn sàng lao vào khói lửa chiến tranh vì không muốn sống hoài, sống phí những năm tháng thanh xuân hiện lên sống động, gần gũi.
Chị từng viết “Cuộc sống ở đây vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Cuộc sống đổi bằng máu xương, tuổi trẻ của bao nhiêu người. Mẹ ơi… Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con luôn tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc.”
Tuy ngôn từ mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng xuất phát từ tâm tư của một cô gái bé nhỏ nhưng thẩm thấu một nỗi niềm và ý chí vô hạn, niềm tin sắt đá vào lý tưởng cách mạng, gạt đi nỗi nhớ để nuôi dưỡng lý tưởng “nguyện suốt đời dấn thân cho Đảng, cho non sông”, tiếp tục cố gắng, tin rằng ngày mai đất nước hòa bình thì bản thân sẽ được sống những ngày tháng tươi đẹp như trước đây.
Cùng với “Nhật ký Đặng Thùy Trâm,” “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc là tấm gương soi tâm hồn của một thế hệ dấn thân, không ngại gian khổ hy sinh.
Theo anh, đã cống hiến thì không thể cống hiến nửa vời, cầm chừng, mà phải cống hiến triệt để, hết mình. Trong chiến đấu phải noi gương các anh hùng, anh viết: “Tự dưng, mỗi người lính đều nghĩ đến anh hùng Nguyễn Chơn. Người chiến sỹ cộng sản triệt để - Người sư trưởng dũng mãnh của sư 304. Phải sống như thế và rèn luyện như thế.”
Đồng thời, người chiến sỹ cộng sản không được lùi bước trước những khó khăn, gian khổ, phải vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình: “Không được lùi bước, không được chậm lại, và phải đi đến cùng”, dù cho có “sống một ngày cũng phải sống cho đàng hoàng.”
Là lính trẻ, Nguyễn Văn Thạc dũng cảm, kiên cường trước kẻ thù, không ngại hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh bản thân vì Tổ quốc. "Dù có phải hy sinh, tôi cũng không bao giờ hối hận. Tôi biết rằng, mỗi giọt máu của chúng ta rơi xuống là góp phần bảo vệ cho quê hương, cho cuộc sống bình yên của thế hệ mai sau."
Với một đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh như Việt Nam thì có hàng nghìn cuốn nhật ký khác cũng đầy máu lửa chiến trường, được viết bởi những người lính trên khắp các mặt trận.
Đó là "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong, nhật ký "Những ngày trong vòng vây" của Trần Mai Hạnh, "Nhật ký chiến trường" của Dương Thị Xuân Quý, "Nhật ký Bê trọc" của Phạm Việt Long, hay "Nhật ký đi B" của Triệu Bôn.
Họ đều là những phóng viên chiến trường, nhật ký đều được viết trong nửa cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 tại chiến trường miền Nam. Mỗi cuốn nhật ký sẽ là những câu chuyện đời, những câu chuyện về cuộc chiến tranh, về tuổi trẻ.
Mỗi người một góc nhìn, bổ sung cho nhau. Những trang viết đầy máu lửa ấy, bao năm rồi vẫn như nóng hổi hơi thở chiến trường, bởi sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh.
Ngày 8/1/1970: “Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể sẽ hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, và nhất là mẹ, sẽ đau khổ đến dường nào. Mình biết điều đó. Mình là đứa con trai được cả nhà yêu thương... Nhưng dầu thế nào, mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình: dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn, cũng Hạnh phúc lắm thay!”
Đấy là tâm nguyện thầm kín của Chu Cẩm Phong được ghi trong nhật ký cho riêng mình và cái thầm kín ấy đã hiện thành hành động sống hàng ngày của anh. Vượt ra ngoài ý định của người ghi, như một nét riêng của văn học Việt Nam kháng chiến, “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong tự thân nó chứa đựng một giá trị văn học độc đáo. Cái tôi trữ tình trong tập nhật ký này hiện lên trước ta như một phẩm chất toàn vẹn của một con người được cổ vũ bởi một lý tưởng sống cao cả, gắn chặt số phận mình với số phận nhân dân, số phận Tổ quốc, số phận đồng loại.
Tinh thần lạc quan, niềm tin sắt son về chiến thắng, hòa bình của dân tộc
Nhật ký như người bạn tri kỷ của những chiến sỹ giữa lằn ranh sinh tử. Mặt khác, nhật ký cũng giống như một vũ khí để họ đối diện với sự khắc nghiệt của chiến tranh.
Không chỉ ghi chép về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu, mỗi trang nhật ký chiến trường còn đong đầy tâm tư, tình cảm, tinh thần lạc quan và niềm tin son sắt vào một ngày hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước đang đến thật gần.
Những người lính trẻ đầy nhiệt huyết ấy trong tháng ngày hành quân vượt Trường Sơn không lúc nào ngớt bom đạn, thiên nhiên khắc nghiệt, ăn đói, mặc rét, ốm đau, bệnh tật hành hạ vẫn hứa với nhau: “Dù có ngã xuống trên đường hành quân thì đầu cũng hướng về phía Nam Tổ quốc” hay: “Dù có phải là người ngã xuống cuối cùng trước giờ ngừng bắn chúng con cũng sẵn sàng vì chúng con hiểu rõ hơn ai hết: Không có chiến công nào không có mất mát, hy sinh. Những điều mà vì chúng, chúng con phải chấp nhận hy sinh, phải chịu đựng mất mát, đau thương hôm nay sẽ góp phần cùng cả nước giành lại cuộc sống yên vui, hạnh phúc vĩnh viễn cho toàn dân tộc. Những ai biết sống xứng đáng với tư cách của một con người thì không thể trốn tránh trách nhiệm lớn lao, nặng nề và vẻ vang đó… (“Nhật ký chiến trường” - Trung tướng Nguyễn Tiến Bình).
Còn đối với Đặng Thùy Trâm, trong cuộc chiến khốc liệt diễn ra từng giờ, từng phút, cái sống luôn cận kề bên cái chết, bệnh xá bị địch đánh phá triền miên phải chuyển đi hết nơi này đến nơi khác vẫn không làm nao núng tinh thần của người nữ bác sỹ trẻ.
Nhật ký ghi ngày 19/1/1969 khiến ta hiểu thêm khát vọng hòa bình của chị: “Một buổi chiều chủ nhật, nắng đẹp và gió lộng giữa khu rừng già. Đài phát thanh đang buổi âm nhạc Quốc tế... Ngồi làm việc trong căn phòng nhỏ, mình thấy khung cảnh quá thanh bình. Bỗng nhiên mình quên đi những đạn bom, lửa khói, quên đi những đau thương, tang tóc và chỉ còn lại trong lòng cảm hứng bao la với bản nhạc...”
Và những cảm xúc không chỉ đến với chị một lần. Trong cái khung cảnh êm đềm, thơ mộng của núi rừng, chị lại say sưa bởi: “Nắng đầu thu tươi vàng óng ả tràn ngập cả khu rừng. Nắng đầu thu với những cơn gió se môi và se cả lòng người. Lại nhớ... Nhớ mênh mông, sâu thẳm như lòng đại dương đang ôm tròn thân mình dải đất Việt Nam. Nhớ từ một người bạn hiền lành, kín đáo có ngôi nhà nhỏ cuối phố Đội Cấn, nhớ đến đứa em tinh nghịch có mái tóc mềm kẹp bổng lên cao...”
Với "Nhật ký đi B" của Triệu Bôn, chặng đường vào Nam đầy gian nan ấy vẫn toát lên tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống. Nhà văn viết: "Và tôi thoát cơn sốt ngày hôm nay. Yêu đời! Yêu cuộc sống chiến đấu gian khổ vô ngần."
Trong cái dữ dội của chiến tranh, ánh lên tinh thần thép của những người chiến sỹ kiên trung như những gì người lính Sư đoàn Sao Vàng Nguyễn Bá Hạnh từng viết trong cuốn nhật ký của mình: "Chiến tranh có thể tàn phá mọi thứ. Duy chỉ có một thứ chiến tranh không thể làm gì được, đó là mục tiêu lý tưởng, khát vọng hòa bình và ý chí đấu tranh của người lính cụ Hồ."
Trên đường ra trận, liệt sỹ Đỗ Đình Xô (chiến sỹ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20, Quân khu 9) cũng đã viết những dòng nhật ký đong đầy cảm xúc về niềm tin chiến thắng: “Ta lại ra đi, tiếp những con đường vào gian khó và vinh quang: Chiến đấu. Ta ra đi mang theo tất cả tình yêu đất nước quê hương… Phía trước là mặt trận, là nơi những trận đánh đang tiếp diễn, đất nước đang chờ đợi chiến thắng của chúng tôi.”
Di sản tư liệu quý giá cho thế hệ mai sau
Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, ngày 18/4/1972, đã tâm sự trong nhật ký “Mãi mãi tuổi 20”: “Nếu như người viết nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc, thì cuốn nhật ký đó sẽ chân thực nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất. Người ta sẽ mạnh dạn ghi vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà sự thực họ có. Nhưng nếu nhật ký mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ khác và khác nhiều. Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện xẩy ra trong ngày, không dám nói hết và đúng những suy nghĩ đã nẩy nở và thai nghén trong lòng họ. Mà đó chính là điều tối kỵ khi viết nhật ký. Nó sẽ dạy cho người viết tự lừa dối ngòi bút của mình, tự lừa dối lương tâm của mình.”.
Tương tự, tác giả Đặng Thùy Trâm ngày 15/6/1968, đã tâm sự: “Nhật ký ơi! Đừng trách Thùy nghe, nếu như Thùy cứ ghi vào nhật ký những dòng tâm sự nặng trĩu đau buồn. Tiếng súng chiến thắng đang nổ dòn khắp chiến trường Nam Bắc. Thắng lợi đã đến gần chúng ta rồi… Nhưng trên mảnh đất Đức Phổ này vẫn còn nặng những đau thương, ngày từng ngày máu vẫn rơi xương vẫn đổ.
Điều đáng buồn nhất là trong những hy sinh gian khổ ấy Th. chưa thấy được sự công bằng, sự trung thực. Chưa có một sự đấu tranh để thắng được những cái ty tiện đớn hèn cứ xảy ra làm sứt mẻ danh dự của hai chữ Đảng viên và làm mòn mỏi niềm vui say công tác của mọi người trong bệnh xá.
Thùy ơi! Th. chịu thua sao? Khi mà anh em quần chúng đảng viên, thanh niên đều ủng hộ Th. mà vẫn không thắng được một vài cá nhân đang hoành hành trong đội ngũ cán bộ của bệnh xá.
Cả mùa khô ác liệt không một lúc nào mình thấy bi quan, mình luôn cười trong gian khổ vậy mà bây giờ mình đau khổ quá đi. Kẻ thù phi nghĩa không sợ mà sợ những nọc độc của kẻ thù còn rớt lại trong đồng chí của mình.”
Thật vậy, những trang nhật ký được người lính viết cho những người thân yêu nhất và cho chính mình, chứ không phải viết với tâm thế dành cho công chúng đọc. Đó là những nhật ký có thể được viết vội trong lúc dùng nghỉ chân giữa những chặng hành quân hay bên trận địa còn vương khói súng… là những cảm xúc, nỗi lòng được bộc lộ trong những khoảnh khắc và bối cảnh tự nhiên nhất, chân thật nhất, bởi vậy mà nó rất thật, rất “đời”, rất sinh động và cuốn hút đến lạ kỳ.
Dù mỗi người một hoàn cảnh, tâm thế, trạng thái riêng nhưng tất cả đều là những lăng kính soi chiếu cuộc sống, cuộc chiến đấu, với những tâm tư, tình cảm chung. Nó tươi nguyên màu trận mạc gian khổ, khốc liệt mà hừng hực sức trẻ và một khát vọng cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước.”
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những trang nhật ký thời chiến đã trở thành chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ.
Đồng thời là minh chứng sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, góp phần làm nên những trang sử hào hùng không thể nào quên của dân tộc Việt Nam.
Qua những dòng chữ và trang giấy mỏng manh đã ngả màu thời gian như có lửa, có thép, tuổi trẻ hôm nay và các thế hệ mai sau sẽ hiểu sâu sắc hơn, chân thực hơn về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc, càng biết ơn thế hệ ông cha ta đã chiến đấu, hy sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc, qua đó được tiếp thêm sức mạnh về lòng tự hào dân tộc.
Những trang nhật ký thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt ấy ngoài giá trị tư liệu, lịch sử, văn hóa về một thời hào hùng của dân tộc, còn được xem như một di sản vô giá, mà các anh hùng, liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại cho thế hệ mai sau.
Đúng như nhà văn Đặng Vương Hưng đã nói: “Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hi sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống.”
Và thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay sẽ tiếp tục là người kế thừa, viết tiếp trang nhật ký của cha anh, viết nên những trang lịch sử sáng ngời của đất nước./.