Những trận đánh lịch sử trong ký ức Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam (kỳ I): Từ các câu 'thần chú' khớp lệnh đến lời dặn cầm quân khắc cốt ghi tâm

Vị Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - Thượng tướng, Viện sĩ, Nguyễn Huy Hiệu, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhớ như in những trận đánh lịch sử đã từng tham gia suốt 60 năm 'cuộc đời binh nghiệp'.

Gặp vị Tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam - Thượng tướng, Viện sĩ, Nguyễn Huy Hiệu, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nghe ông say sưa kể về những trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp, lại càng thấm thía hơn vẻ đẹp lấp lánh của màu xanh áo lính, vẻ đẹp của những hy sinh máu xương để đổi lấy hòa bình, để tự hào về những thế hệ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và những trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 8 thập kỷ.

Chẳng cần quá nhiều câu hỏi gợi mạch phỏng vấn, những ký ức ùa về như ngày hôm qua! Ông kể…

Đánh “nở hoa” trong lòng địch

Tôi đến giờ đã gần 60 năm “tuổi quân” và được vinh dự tham gia các chiến dịch lớn như Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971, 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng niềm Nam thống nhất đất nước. Tham gia 67 trận đánh, tất cả đều khó quên nhưng có những trận đánh còn vang vọng mãi trong ký ức.

Đầu tiên, tôi muốn kể đến là trận đánh năm 1970 khi đó là Đại đội trưởng Đại đội 2, tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 27, Mặt trận B5, hưởng ứng phong trào diệt xe tăng Mỹ.

Nhớ lại, ngày 20/12/1973, một trong những ngày thiêng liêng nhất của cuộc đời Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – ngày ông đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông đã viết: “… Hôm nhận danh hiệu Anh hùng tôi đã khóc. Tôi nhớ đến hình ảnh Đại đội trưởng Mai Xuân Tình, Chính trị viên đại đội Đặng Quang Hồng, Trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư… chiến sỹ Cao Như Thiêm, chiến sỹ B.41 Phùng Văn Khoét, Trung đoàn trưởng Cao Uy và biết bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 27 – Mặt trận B5 thân yêu của tôi đã anh dũng ngã xuống… Nhờ họ tôi mới có được vinh quang này…”.

Thời điểm đó Mỹ triển khai chiến thuật Trâu rừng của tướng Mỹ Abram, ban ngày càn quét bằng hỏa lực cả trên không, mặt đất, dưới biển, đánh vào vùng Giải phóng; ban đêm chúng cụm về như những đảo trâu nằm giữa cánh đồng Tân Kim, trong phạm vi bãi bằng. Mặt trận đã phát động nhiều đơn vị diệt xe tăng Mỹ, diệt được một số xe tăng địch nhưng quân đội Mỹ lại nhanh chóng sửa chữa lại. Lúc này, Mặt trận quyết tâm tiêu diệt gọn cụm bộ binh cơ giới, đánh bại chiến thuật Trâu rừng của địch.

Trong bối cảnh đó, tôi được giao nhiệm vụ đưa cả Đại đội 2 luồn sâu vào trong Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), đêm ngày mùng 4 rạng sáng ngày mùng 5/4/1970, chúng tôi bí mật tiếp cận, không đánh các cụm vòng ngoài mà tiếp cận đánh sâu bên trong (thường địch có ý chủ quan, lơ là), do vậy, đã tiêu diệt địch trong vòng 45 phút, toàn bộ 16 xe tăng Mỹ bị phá hủy.

Sau đó, chúng tôi chia thành từng đội nhỏ, giải quyết chiến trường, thu chiến lợi phẩm và bí mật đưa anh em sơ tán vào bên trong, không hành quân ra ngay vì trời đã sáng, hỏa lực địch bắn xung quanh trận địa. Đêm hôm sau, chúng tôi bắt đầu rút quân ra, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới, góp phần đánh bại chiến thuật Trâu rừng của Tướng Abram. Đại đội được khen thưởng, cá nhân tôi được bổ nhiệm là Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn 27, Mặt trận B5.

Trước khi tác chiến, chúng tôi đã bám và nắm địch trong vòng 4 ngày đêm để xem quy luật khi địch càn vào vùng giải phóng, chiến lược chi tiết của địch. Vì đã chiến đấu tại chiến trường này nhiều năm nên chúng tôi rất thông thạo địa hình, tổ chức tinh binh, tinh cán vượt sâu vào đánh bên trong, đánh sâu, đánh hiểm, đánh “nở hoa” trong lòng địch, bám “thắt lưng” địch mà đánh.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Mặt trận B5 không lâu sau trận đánh, tôi được đồng chí Phạm Minh Tâm – Trung đoàn Trưởng cho phép cùng lên gặp và báo cáo trược tiếp với Đại tướng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi có cơ hội gặp Đại tướng. Đại tướng hỏi tôi đã chuẩn bị bài báo cáo xong chưa và tôi đáp lại Đại tướng rằng đã chuẩn bị xong và sẵn sàng báo cáo Đại tướng. Tuy nhiên, Đại tướng nói: Đồng chí là người chỉ huy, đồng chí bỏ bài báo cáo xuống, nhìn lên bản đồ (đã vẽ sẵn trận đánh) và trình bày cho chúng tôi nghe về quy luật hoạt động của địch, cũng như cách đồng chí tổ chức trận địa tiêu diệt địch.

Nắm trong lòng bàn tay bản đồ trước mặt, tôi trình bày kỹ lưỡng quy luật hoạt động của địch cũng như cách tiếp cận địch và tổ chức trận đánh. Đại tướng nghe xong đã cười và biểu dương, đồng thời có chỉ đạo: “Người chỉ huy giỏi là phải tiêu diệt được kẻ địch nhưng cũng phải hạn chế thương vong thấp nhất cho cán bộ chiến sỹ”.

Lời chỉ đạo đó tôi nhớ mãi cho đến tận ngày hôm nay, là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình và cũng là thông điệp tôi luôn muốn truyền tải tới thế hệ kế cận.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là một sĩ quan cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Thượng tướng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (1998-2011); nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng (1995-1998). Ngày 2/4/2010, ông được trao tặng bằng Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Liên bang Nga.

Khéo léo, linh hoạt nghệ thuật tác chiến

Chiến dịch thứ hai mà tôi cũng vẫn còn nhớ tới từng chi tiết nhỏ, đó là chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971. Cách đánh của địch muôn hình vạn trạng, vì vậy, chúng tôi cũng cần lựa chọn các cách đánh phù hợp với từng thời điểm mới có thể chiến thắng. Trong chiến dịch này, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ phục kích, tiêu diệt đoàn xe đi từ Cam Lộ, theo Đường 9, lên Khe Sanh để tiếp tế cho Bản Đông.

“Người chỉ huy giỏi là phải tiêu diệt được kẻ địch nhưng cũng phải hạn chế thương vong thấp nhất cho cán bộ chiến sỹ” - Lời chỉ đạo đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được Tướng Nguyễn Huy Hiệu khắc cốt ghi tâm cho đến tận ngày hôm nay, là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông và cũng là thông điệp ông luôn muốn truyền tải tới thế hệ kế cận.

Quy luật của địch cũng có nhiều điểm khác, Mỹ ngoài hỏa lực trên không, trên mặt đất còn có trực thăng, xe chỉ huy, trinh sát đi trước dẫn đường phát hiện địa điểm nghi ngờ có quân Giải phóng sẽ dùng hỏa lực để tiêu diệt. Sau khi đã tiêu diệt, địch sẽ triển khai một số xe tăng đi thử qua mới bắt đầu tiếp tục đoàn xe hành trình tiến lên.

Nắm bắt được tính toán đó, chúng tôi quyết định để những đoàn xe “mồi” của địch đi suôn sẻ, khiến địch mất cảnh giác. Khi một đoàn xe của địch khoảng hơn 30 chiến bắt đầu nối đuôi nhau từ trục đường chính tới căn cứ đã lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3, chặn đầu, khóa đuôi trong 5 cây số, bố trí các hỏa lực chờ.

Cùng lúc đó, một đoàn xe chở thương binh của địch từ Bản Đông gặp nhau ở dốc gần căn cứ địch, chiến sỹ ta chặn đầu theo hiệp đồng, bắn cháy một lúc 5 chiếc xe địch, một số chiếc vì hoảng loạn mà tự húc vào nhau, tổng hư hại khoảng gần 10 chiếc. Chúng tôi tiến hành khóa đuôi địch và nhanh chóng đánh trong vòng 35 phút, tiêu diệt gọn 28 xe, cắt đứt đường tiếp tế của quân Mỹ-ngụy cho Bản Đông, góp phần làm nên chiến thắng Bản Đông năm 1971.

Khi chiến thuật địch thay đổi chúng ta cũng cần khéo léo thay đổi để thích ứng trong thực tế tác chiến, vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo. Cũng trong năm 1971, tôi được ra Hà Nội báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về những trận đánh. Tôi nhớ rất rõ căn dặn của Đại tướng là phải tiếp tục huấn luyện đánh theo hình thức khác nhau, tiếp tục cho các trận đánh năm 1972 tiến đến giải phóng Quảng Trị.

Tướng Hiệu đã trồng 7 "cây đa đồng đội" trên đất Quảng Trị. Mỗi khi có dịp về Quảng Trị, bao giờ ông cũng dành nhiều thời gian qua những cây đa đã trồng. Tướng Hiệu chia sẻ: "Đất Quảng Trị đau thương, bị quân địch tàn phá. Có nơi, không một gốc cây, ngọn cỏ nào có thể sống nổi. Bom đạn, súng trường, chất độc chà đi xát lại ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Tôi đau đáu trong tim, rằng chỉ có màu xanh cây cối mới có thể khỏa lấp hố bom, hố pháo, đem lại sự sống cho dân lành. Màu xanh cây cối biểu tượng cho sự sinh sôi, cho sự mãnh liệt như tinh thần hiên ngang, bất khuất của dân tộc. Chính vì thế, trồng cây tại Quảng Trị là điều tôi không thể không làm".

Phạm Hằng (ghi)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-tran-danh-lich-su-trong-ky-uc-tuong-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-ky-i-tu-cac-cau-than-chu-khop-lenh-den-loi-dan-cam-quan-khac-cot-ghi-tam-298174.html