Nhật ký trẻ: 'Yêu thương' là tên gọi bông hoa đẹp nhất
Sớm đầu ngày khi làn sương còn bao phủ không gian ngôi cổ tự, tiếng chuông chùa vang lên, các bạn trẻ yên lặng bước vào thiền đường để bắt đầu giờ tĩnh tọa đầu ngày, trong Kỳ trại Vượt bậc cuối năm do Gia đình Phật tử Xá Lợi tổ chức.
Sống chậm, tập yêu thương mình
Cuối năm tất bật với việc thi cử, việc học hành, làm thêm, nhiều khi cảm thấy áp lực, thất vọng khi không hoàn thành những mục tiêu đặt ra cho mình, Đỗ Quang Thanh Ngọc (sinh năm 2002) sinh viên năm 3 - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM quyết định dành thời gian tham gia Kỳ trại Vượt bậc cùng Gia đình Phật tử tại một thiền viện ở Đồng Nai.
Ngọc chia sẻ, mỗi ngày đi học, đi làm, phải có trách nhiệm với công việc đã chọn, nên thấy khá áp lực. Ngọc tự ép bản thân phải học được thật nhiều, nhớ được thật nhiều, phải cố biết cho thật sâu, thật rộng, nhưng rồi đôi khi không làm được thì cảm thấy chán nản và thất vọng.
Khi đi trại Ngọc có nhiều thời gian để yên lặng, tập hít thở, tập bước những bước chân chánh niệm, được hòa mình vào thiên nhiên đất trời, Ngọc nhận ra những cảm xúc tiêu cực rồi cũng sẽ qua. Và mình nên biết mình đã làm được gì, chưa làm được gì, từ từ tìm hiểu, rồi mình sẽ làm được.
Ngọc cười, kể: "Mỗi lần đi trại thường vào kỳ thi nên hay đắn đo không biết có nên đi không. Nhưng sau mỗi lần trại, tôi thấy nếu như không đi thì sẽ cảm thấy tiếc nhiều hơn, bởi vì mỗi kỳ trại đều có những trải nghiệm khác nhau, giúp bản thân vững chãi hơn sau mỗi hành trình".
Như ở kỳ trại này có một thử thách leo núi, Ngọc cảm thấy không đủ sức khỏe, hơi sợ, nhưng nhờ sự động viên từ anh chị và các bạn, Ngọc trải nghiệm thành công cảm giác được được leo lên và leo xuống núi. "Lần đầu tôi tập leo núi, một trải nghiệm vô cùng thú vị", Ngọc cho biết.
Đặc biệt khi cùng sinh hoạt trong đêm lửa trại, cùng quây quần bên nhau, lắng nghe tiếng hát, lắng nghe chia sẻ, Ngọc cảm nhận được tình cảm mọi người dành cho nhau như một gia đình, rất thân thiết, ấm áp.
“Có những tiếng cười, có những khoảng lặng khi ngồi cùng nhau bên ánh lửa trại, tôi cảm thấy rất bình yên, thoải mái, không cần phải suy nghĩ, lo lắng về điều gì. Lâu lắm rồi tôi mới sống chậm, sống nhẹ nhàng với bản thân, nhìn lại con đường mình đi và học cách biết yêu thương mình, chăm sóc mình ý nghĩa như vậy”, Thanh Ngọc bày tỏ.
Chuyển hóa chính mình
Lần đầu tiên tham gia kỳ trại, Trần Nguyễn Quốc (sinh năm 2005, sinh viên năm nhất - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, đây là hành trình vượt bậc với nhiều chặng khác nhau cùng hướng về niềm biết ơn đối với đất mẹ, cách nhận diện, chăm sóc, chuyển hóa chính mình, để ban vui trong giờ phút hiện tại.
"Trong các trải nghiệm, tôi ấn tượng nhất là chặng leo núi khi mọi người cố gắng giúp nhau vượt qua nỗi sợ hãi để hoàn thành phần này. Qua đây, mọi người đã cùng nhau thực tập chuyển hóa chính mình, để mỗi ngày tốt hơn, hạnh phúc hơn.”, Trần Nguyễn Quốc chia sẻ.
Chia sẻ về Kỳ trại Vượt bậc của đơn vị, huynh trưởng Quảng Quý - Liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử Xá Lợi, TP.HCM cho biết: "Trong hai ngày một đêm, các trại sinh đã rời thành phố để tìm về với thiên nhiên trong lành. Ở đây, Ban Tổ chức đã bày ra các trò chơi lớn, các hoạt động ngoài trời với những thử thách hấp dẫn để các khóa sinh thực hành những nội dung đã được tu học, sinh hoạt trong năm qua".
Ở hoạt động đu dây thoát hiểm, huynh trưởng Quảng Quý kể, có bạn mới bắt đầu đối diện thử thách sợ hãi bao nhiêu thì khi vượt qua được nỗi sợ hãi đó, lại cảm thấy hạnh phúc bấy nhiêu.
Tại kỳ trại, các khóa sinh được hướng dẫn áp dụng điều đã học vào các tình huống thực tế trong đời sống hàng ngày khi gặp hiểm nguy. Bên cạnh các hoạt động truyền thống thuần kỹ năng thanh thiếu niên, các bạn còn được thực tập chánh niệm tỉnh thức qua các thời khóa tĩnh tọa, tụng kinh, thiền hành, pháp đàm, dùng cơm trong yên lặng...
"Các em Oanh vũ chưa được đi trại, nên chỉ tham gia những hoạt động quanh chùa và cùng với năng lượng có được từ sự thực tập chuyển hóa tự thân của các anh chị trại sinh mang về đã giúp cho các em hoàn thành Vượt bậc”, huynh trưởng Quảng Quý chia sẻ.